Tham gia Liên hoan tuyên truyền viên dân số năm 2012 có 8 đội tuyển với 40 thí sinh xuất sắc đại diện cho gần 2 nghìn chuyên trách và cộng tác viên dân số ở các phường, xã, thôn, xóm của các vùng, miền trên địa bàn tỉnh. Liên hoan đã để lại dấu ấn không chỉ với những người làm công tác dân số mà cả những khám giả và cổ động viên.
Xem hình
Màn chào hỏi của đội tuyển Yên Khánh

Tại liên hoan, các đội trải qua 3 phần thi: Màn chào hỏi, phần thi kiến thức và phần thi năng khiếu. Trong phần thi chào hỏi, khán giả đã bị cuốn hút bởi những tiết mục ấn tượng. Phần lớn các tác phẩm của các đội đều là tự biên, tự diễn nhưng được dàn dựng hết sức công phu, đầy chất nghệ thuật của những diễn viên không chuyên nhưng tất cả đều mang đậm bản sắc văn hóa của từng địa phương. Tuy mỗi đội có một cách thể hiện khác nhau nhưng tất cả đều tập trung giới thiệu một cách đầy đủ và khái quát nhất về các thành viên trong đội và đã khéo léo thể hiện những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động và kinh nghiệm thực tiễn trong việc xử lý các tình huống thường gặp khi vận động người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ... 

          Ở phần Kiến thức, các đội đều thể hiện sự hiểu biết sâu rộng về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Một số câu hỏi như: cách thức sử dụng các biện pháp tránh thai; các bệnh lý sơ sinh được sàng lọc ở Ninh Bình hiện nay; các hành vi lựa chọn giới tính nào bị pháp luật nghiêm cấm, nhóm đối tượng cần ưu tiên truyền thông về dân số/KHHGĐ; dịch vụ dân số gồm những nội dung gì, các bệnh lây truyền qua đường tình dục… được các đội trả lời chuẩn xác, giúp người xem có thêm kiến thức cần thiết để bạn trẻ chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.

          Không chỉ thể hiện sự hiểu biết về kiến thức, lĩnh vực mình phụ trách, các tuyên truyền viên dân số còn rất “chuyên nghiệp” khi hoá thân vào các vai diễn ở phần Tài năng. Các thí sinh thực sự gây bất ngờ và ấn tượng cho ban giám khảo, khán giả bởi tài năng diễn xuất, cách thể hiện hài hước, sự dí dỏm của những người làm công tác dân số. Nhiều tiểu phẩm có nội dung mang đậm tính giáo dục được gắn với các chủ đề của ngành dân số hiện nay như: "Tìm nơi đẻ" (Kim Sơn) phản ánh một gia đình có ý định sinh con lần thứ 3 và lên kế hoạch đến địa phương khác để sinh con hòng che giấu mọi người; tiểu phẩm "Một lần hú vía" (TP Nnh Bình) cho mọi người thấy được tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân, có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai và phá thai không an toàn có chiều hướng gia tăng, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên, tiểu phẩm đã cho mọi người thấy được sức khỏe sinh sản vị thành niên là một vấn đề hệ trọng, là gốc của vấn đề nâng cao chất lượng dân số. Sự dại dột của Hoa là một tiếng chuông cảnh tỉnh những bậc làm cha làm mẹ, những bạn trẻ là vị thành niên, thanh niên về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc rèn luyện, trang bị các kiến thức và kỹ năng sống trong chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, ... hay "chuyện vợ chồng tôi" (Hoa Lư)... đề cập đến việc đẻ dày, gia đình lâm vào cảnh con cái ốm đau không có điều kiện làm kinh tế ...

          Có thể thấy, Liên hoan Tuyên truyền viên dân số năm nay là sự kiện truyền thông đáng nhớ, trở thành ngày hội lớn, là nơi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè đồng nghiệp. Mỗi đội đều có sắc thái riêng, một diện mạo riêng, song tất cả cùng chung sức vẽ lên bức tranh toàn cảnh về không khí thi đua sôi nổi, niềm tự hào về những thành tích tiêu biểu, với ý chí phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, năng động, sáng tạo của đội ngũ tuyên truyền viên dân số trong giai đoạn mới.

          Liên hoan đã khép lại Giải nhất liên hoan tuyên truyền viên dân số tỉnh năm 2012 được trao cho đội tuyển huyện Kim Sơn; giải Nhì thuộc về TP Ninh Bình, 2 đội Yên Mô và Gia Viễn đạt giải Ba và 4 giải khuyến khích cho các đội còn lại. Tuy nhiên hành trình của đội ngũ tuyên truyền viên dân số lại tiếp tục đồng hành cùng năm tháng trên chặng đường phát triển của sự nghiệp dân số tỉnh nhà.

 

 

Tác giả: Kim Thoa