Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, tỉnh Ninh Bình còn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở địa phương, góp phần từng bước giảm dần tiến tới loại trừ đại dịch HIV/AIDS ra khỏi cộng đồng.

Theo đó, các hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS được triển khai sâu rộng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân. Hình thức, nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, góp phần định hướng cho mọi người thực hiện pháp luật, chính sách về phòng chống HIV/AIDS; phổ biến, giới thiệu đến mọi người dân về các dịch vụ dự phòng lây nhiễm, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS, tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế để được chăm sóc suốt đời.

Hàng năm, nhất là dịp Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh, Tạp chí AIDS và cộng đồng, bản tin của các ngành, đoàn thể... đã chuyển tải kịp thời các quan điểm, mục tiêu, biện pháp đã được đề ra trong “Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”; phổ biến kiến thức dự phòng lây nhiễm và giới thiệu các chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, nhiều hoạt động truyền thông khác được tổ chức tại các trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và các nội dung liên quan tại cộng đồng, các cơ sở y tế… Qua đó, nhận thức của người dân về phòng tránh HIV được nâng lên, thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, kiên quyết đấu tranh với tệ nạn xã hội và những nguy cơ lây truyền HIV/AIDS trong cộng đồng.

Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, số người nhiễm mới được phát hiện hàng năm vẫn còn, lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng tăng, kéo theo sự gia tăng các trường hợp nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em. Có dấu hiệu gia tăng nhanh số người nhiễm HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới. Trong khi đó, kiến thức chung về HIV/AIDS, việc thực hành các hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trong nhóm người tiêm chích ma túy, người mua bán dâm… Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm bệnh và mạng lưới dịch cụ cung cấp phương tiện phòng chống HIV ở một số địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế…. Nguy cơ dịch HIV/AIDS có thể gia tăng trở lại nếu thiếu sự quan tâm của toàn xã hội.

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là các hoạt động tư vấn, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Trong đó, ngành Y tế chú trọng đến việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho mạng lưới y tế các cấp, tạo điều kiện cho các đơn vị y tế, các địa phương thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS ở cơ sở. Cùng với đó, thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, hướng tới các mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030.

Kim Thoa (Ngồn Báo Ninh Bình)