Hiện đang là thời điểm cuối thu sang đông, thời tiết diễn biến phức tạp với nền nhiệt độ không ổn định, mưa - nắng thất thường càng tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm trong thời điểm giao mùa như: sốt xuất huyết, các bệnh về đường hô hấp, đường ruột bùng phát... Trước tình hình trên, ngành Y tế Ninh Bình luôn chủ động sẵn sàng thuốc, hóa chất và các phương tiện phòng, chống nhằm không để dịch bệnh xảy ra.

Mặc dù thời tiết đã chuyển sang rét nhưng hàng tuần người dân xã Chất Bình (Kim Sơn) không quên ý thức việc vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, lấp kín các nơi ao tù, nước đọng; dọn dẹp, làm sạch các vật dụng, phế liệu ứ đọng nước bẩn để phòng, chống các bệnh hay xảy ra vào cuối thu, đầu đông...





Bác sĩ Trần Thị Trường Giang, Trưởng Trạm y tế xã Chất Bình cho biết: “Trong mùa mưa rét, đặc biệt với dạng thời tiết thất thường như hiện nay, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống các dịch bệnh như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…, hướng dẫn xử lý nguồn nước, giữ vệ sinh chung trong gia đình và cộng đồng. Chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc để kịp thời khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Được biết, ngay từ đầu năm, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tích cực triển khai kế hoạch phòng, chống, khắc phục hậu quả của thời tiết bất thường như bão lũ, mưa rét, hạn hán.., nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai và không để dịch bệnh xảy ra. 

Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền đến hộ gia đình nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phát hiện các loại dịch bệnh và biện pháp dự phòng tại cộng đồng; theo dõi việc giám sát dịch bệnh, nhất là các ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời; kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các đội cơ động phòng, chống dịch nhằm khắc phục hậu quả của thiên tai, mưa rét.

Với sự triển khai chủ động, kịp thời, 10 tháng qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn, một số loại bệnh dịch xuất hiện nhưng không lây lan ra diện rộng, như bệnh cúm với trên 10 nghìn ca, tiêu chảy gần 4 nghìn ca, trên 200 ca mắc thủy đậu, trên 600 ca mắc quai bị, gần 100 ca mắc bệnh tay - chân - miệng…; trong đó, nhiều loại bệnh giảm so với cùng kỳ. 

Các ca bệnh đều được giám sát, chăm sóc, điều trị tại nhà hoặc các đơn vị y tế, do đó không hình thành các ổ dịch nghiêm trọng, lây lan rộng ra cộng đồng. Mặc dù có nhiều loại bệnh giảm so với cùng kỳ, song theo đại diện ngành Y tế, người dân không thể chủ quan do nguy cơ tiềm ẩn dịch bùng phát trong cộng đồng là rất cao.

Đồng chí Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, bảo đảm các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mọi tình huống lụt, bão, thiên tai, thảm họa, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân, hàng năm, Sở Y tế có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết trên địa bàn, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó; chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh, đồng thời xử lý môi trường sau mưa, bão. 

Cùng với đó chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh, đặc biệt là những vùng bị úng ngập, những địa phương có nguy cơ cao, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời; cung cấp hóa chất và hướng dẫn cho từng hộ gia đình ở vùng trọng điểm để xử lý môi trường, nguồn nước. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cách phát hiện các loại dịch bệnh và các biện pháp dự phòng tại cộng đồng; thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo thông tin, báo cáo thường xuyên…

Cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của ngành Y tế, người dân cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ sức khỏe, nhất là thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp làm sạch nguồn nước, vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh trong mùa mưa rét.