Sắp tới, các nguồn tài trợ quốc tế không còn, thuốc kháng virus HIV (ARV) cũng sẽ không được phát miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS. Trước tình hình đó, Chính phủ đã định hướng chi trả thuốc ARV thông qua quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Việc mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV gặp khó bởi đa số những người có HIV đều có cuộc sống hết sức khó khăn… Trước thực trạng đó, tỉnh ta đã ban hành một kế hoạch đậm tính nhân văn nhằm “cứu cánh” cho những người nhiễm HIV/AIDS…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có trên 2.700 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS còn sống. Được biết, phần lớn số bệnh nhân này đang nằm trong độ tuổi lao động và để đảm bảo sức khỏe đa số bệnh nhân đều tham gia điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Bệnh nhân khi điều trị ARV đã có sức khỏe rất tốt. Họ hoàn toàn có thể làm việc, sinh hoạt như một người bình thường. Họ đã lấy lại được tinh thần lạc quan vào cuộc sống, ra sức lao động và chăm sóc con cái trong gia đình… Đặc biệt, là các chi phí điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS đều dựa vào nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế. Hàng năm, tỉnh ta được các nguồn quỹ toàn cầu hỗ trợ để mua thuốc ARV, thuốc nhiễm trùng cơ hội và xét nghiệm theo dõi kết quả điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

          Tuy nhiên, bước vào giai đoạn 2016-2020, nguồn kinh phí của Trung ương hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn này không còn. Đặc biệt, từ tháng 3/2016, các tổ chức quốc tế không mở rộng điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV mới và đến năm 2017 sẽ cắt giảm dần trước khi chấm dứt hoàn toàn viện trợ điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS vào năm 2019. Được biết, nếu không có thẻ BHYT thì một bệnh nhân điều trị ARV ổn định trong 1 năm phải mất chi phí từ 6-8 triệu đồng, nếu bệnh nhân nặng phải điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội thì chi phí lên tới hàng chục triệu đồng. Với việc phải tự túc một khoản chi phí khá cao trong điều trị như vậy mà không tìm ra nguồn tài chính thay thế thì nhiều người nhiễm HIV/AIDS có thể sẽ không được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV, không được chăm sóc y tế, nguy cơ dịch bùng phát ra cộng đồng là rất cao. Bởi vậy, một giải pháp tài chính thay thế được tính đến đó là người bệnh phải mua thẻ BHYT.

          Chia sẻ về nguyên nhân chưa mua thẻ BHYT, chị T. ở Trường Yên (Hoa Lư) cho biết, chị bị lây nhiễm HIV từ chồng. Hiện nay, chồng chị T. đã qua đời vì AIDS. Gạt nỗi đau sang một bên, chị T. gửi con cho ông bà ngoại để đi làm thuê dưới thành phố với đủ nghề từ phụ bán quán ăn đến giúp việc theo giờ, kể cả làm phụ hồ. Để đảm bảo sức khỏe, chị T. thường đến các cơ sở y tế điều trị ARV theo định kỳ... Sắp tới, khi không được miễn phí điều trị ARV nữa và những người nhiễm HIV sẽ rất khó khăn nếu không có thẻ BHYT. Biết là vậy, song chị T. vẫn không muốn mua thẻ BHYT. “Phần vì mức thu nhập của chị để trang trải cho cuộc sống của mấy mẹ con đã rất khó khăn rồi, khó có điều kiện mua thẻ BHYT. Chưa kể khi có thẻ tôi phải đến điều trị tại các bệnh viện. Với đặc thù là nơi tập trung đông người thì việc giữ bí mật cho bệnh nhân như tôi là rất khó. Nếu bị phát hiện tôi sợ mẹ con tôi sẽ bị xa lánh, kỳ thị, khó khăn trong vấn đề tìm việc làm. Nếu không có việc làm thì tôi lấy gì để lo cho các con?”- chị T. ngậm ngùi.

          Anh Ngô Văn Công, Chủ nhiệm CLB đồng đẳng “Vì ngày mai tươi sáng Ninh Bình” và cũng là người đang mang trong mình căn bệnh HIV chia sẻ. Hiện nay xã Trường Yên có 241 người bị nhiễm HIV/AIDS còn sống, trong đó có trên 60 người tham gia vào câu lạc bộ. Phần lớn, những người mắc HIV vẫn đang trong độ tuổi lao động, có không ít gia đình có cả vợ chồng đều mắc HIV/AIDS nên cuộc sống có nhiều khó khăn. Từ trước đến nay, các bệnh nhân tích cực tham gia điều trị ARV là vì được hỗ trợ tiền thuốc. Sắp tới, khi không còn nguồn hỗ trợ nữa thì không biết những người nhiễm HIV/AIDS có duy trì được việc điều trị không? Hiện tại, chúng tôi đang tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến tất cả các hội viên về lợi ích của việc mua thẻ BHYT trong việc điều trị thuốc ARV. Qua tiếp xúc với hội viên, điều trăn trở nhất đó là thu nhập của họ còn quá thấp, thậm chí có hội viên không thể tự kiếm thêm thu nhập… Vì vậy, việc bỏ một khoản tiền nhất định mua thẻ BHYT thì hầu hết các hội viên đều cân nhắc.

          Những trăn trở, lo lắng của chị T. hay các thành viên trong CLB Vì ngày mai tươi sáng hiện nay đã được giải quyết. Được biết, nhằm chia sẻ khó khăn đó với người nhiễm HIV, đồng thời đảm bảo 100% người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại Ninh Bình có thẻ BHYT và được hưởng các dịch vụ y tế từ quỹ khám, chữa bệnh BHYT theo quy định chung, UBND tỉnh Ninh Bình đã có Kế hoạch hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước để mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS có hộ khẩu tại Ninh Bình. Theo đó, sẽ hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ BHYT. Kinh phí được trích từ ngân sách Nhà nước. Dự kiến, trong năm 2017 sẽ có khoảng 1.300 người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT và trên 800 người có thẻ BHYT nhưng chưa được hỗ trợ 100% chi phí. Tổng kinh phí hỗ trợ trong năm 2017 là trên 1,3 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ năm 2018 trở đi, căn cứ số người nhiễm HIV/AIDS cập nhật, Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan lập danh sách và dự trù kinh phí gửi Sở Tài chính.

          Cùng với nỗ lực của tỉnh, các bệnh viện, các trung tâm y tế cũng cần ưu tiên, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những người có HIV/AIDS được khám, điều trị bệnh bằng thẻ BHYT. Chỉ khi chất lượng cuộc sống và nhận thức của những người nhiễm HIV được nâng cao thì mới có thể hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ra cộng đồng.