Những ngày gần đây, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị, đặc biệt có những trường hợp mắc bệnh nặng phải phải thở máy.

Tại khoa Khám bệnh Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 200 - 250 trường hợp đến khám và điều trị, trong đó, số bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng chiếm tỉ lệ cao. Đặc biệt có những ca bệnh nặng phải thở máy.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình được biết: Năm nay dịch bệnh tay chân miệng đến sớm hơn và xuất hiện nhiều ca bệnh nặng, nguy hiểm. Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em, gây ra vết loét bên trong hoặc xung quanh miệng, đồng thời phát ban và nổi mụn nước ở tay, chân hoặc mông. Mặc dù các tổn thương này có thể gây đau đớn cho người bệnh nhưng về cơ bản, bệnh tay chân miệng khá lành tính, chỉ có rất ít trường hợp biến chứng và nguy hiểm.

Bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa, tập trung ở độ tuổi dưới 5 tuổi, thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè và đầu mùa thu. Hiện nay, tốc độ mắc bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh do thời tiết diễn biến bất thường.

Bệnh tay chân miệng có nhiều dấu hiệu để nhận biết như: trẻ sốt cao liên tục không hạ, dễ nôn ói, run tay run chân, đi không vững, thở mệt, ngủ thường bị giật mình. Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế uy tín để được khám, điều trị kịp thời.

Để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất, những gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi và các điểm giữ trẻ cần đặc biệt lưu ý để thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh, trong đó, rửa tay là biện pháp quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh đồ chơi, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường, đồng thời tăng cường bổ sung vitamin cho trẻ, nhất là vitamin C. Cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu cho trẻ nhưng đảm bảo thức ăn phải mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa để trẻ có thể ăn được nhiều hơn. Bổ sung thêm lượng nước thích hợp cho trẻ vì trẻ có nguy cơ mất nước do sốt và biếng ăn. Tuyệt đối không nên kiêng cữ quá mức, nên cho trẻ ăn lại bình thường ngay khi trẻ có dấu giảm bện.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh chân tay miệng ở trẻ em, Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lí kịp thời các ổ dịch phát sinh. Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh. Đồng thời, củng cố các đội chống dịch cơ động, nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lí ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết. Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng, nhằm hạn chế thấp nhất tử vong. Thực hiện tốt phòng, chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế...

Thu Trang