Sáng 10/8, tại khách sạn Vissai Ninh Bình (thành phố Ninh Bình) Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo về hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở. Dự hội thảo có lãnh đạo Cục Y tế dự phòng; Cục quản lý khám, chữa bệnh; Trung tâm Thông tin y tế quốc gia; đại diện các Viện trực thuộc Bộ Y tế; đại diện một số bệnh viện tuyến Trung ương; đại biểu tổ chức quốc tế về y tế và lãnh đạo đại diện ngành Y tế 5 tỉnh gồm Ninh Bình, Khánh Hòa, Bắc Giang, Hà Nội và Hà Giang.

        

          Tại hội thảo, đại diện Cục Y tế dự phòng đã thông tin về kết quả phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025; vai trò và hoạt động của các Viện trong phòng chống bệnh không lây nhiễm.

          Các đại biểu đại diện các tổ chức, đơn vị cũng giới thiệu và đánh giá mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam. Như WHO (Tổ chức y tế thế giới) tại Việt Nam giới thiệu về mô hình quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu áp dụng cách tiếp cận y tế công cộng; tổ chức PATH (Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận về công nghệ y tế) đánh giá mô hình quản lý lồng ghép tăng huyết áp và đái tháo đường dựa vào cộng đồng.

          Cũng tại hội thảo, các đơn vị: Viện chiến lược và chính sách y tế giới thiêu mô hình triển khai tại Ninh Bình và Hải Phòng; chuyên gia Dự án hợp tác với Đan Mạch giới thiệu mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại Thái Bình do Đan Mạch hỗ trợ... Đồng thời các đại biểu thảo luận nhóm về hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở, về những kết quả quan trọng nhất đã đạt được và những tồn tại, khó khăn cần khắc phục; về các giải pháp, hoạt động cần ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới...

          Tại Ninh Bình, thời gian qua, hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến tại tuyến y tế cơ sở được thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định 3756 của Bộ Y tế. Hiện 100% trạm y tế đều đã được cấp phát tài liệu hướng dẫn và có cán bộ trạm được tập huấn quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. 100% các trạm y tế đều đang có ít nhất 1 máy đo đường huyết mao mạch còn hoạt động tốt. Có 91 trạm y tế có thuốc tăng huyết áp; trong đó có 13 trạm có đủ 3 nhóm thuốc, 38 trạm y tế có đủ 2 nhóm thuốc, 28 trạm có đủ 1 nhóm thuốc và 12 trạm có thuốc nhưng không đủ ít nhất 1 nhóm thuốc.

          Tất cả các trạm y tế đã triển khai khám BHYT đều đã thực hiện khám, cấp thuốc, tuy nhiên chưa được BHYT thanh toán chi phí làm xét nghiệm đường máu mao mạch để theo dõi tình trạng đường huyết cho bệnh nhân. Việc quản lý người bệnh giữa các tuyến hầu như chưa được thực hiện theo phân tuyến. Dữ liệu quản lý bệnh không lây nhiễm đã thống nhất trong toàn tỉnh, tuy nhiên còn hạn chế do dữ liệu chưa được các đơn vị nhập đầy đủ. Hoạt động khám sàng lọc tại cộng đồng đã triển khai tương đối tốt, tuy nhiên, còn thiếu sự chặt chẽ trong việc quản lý, theo dõi và đưa bệnh nhân phát hiện mới vào quản lý điều trị...

            Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các rối loạn tâm thần… có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người bệnh và là gánh nặng về kinh tế. Việc tổ chức hội thảo về hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm tuyến y tế cơ sở nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia của các tổ chức y tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài ngành Y tế. Phấn đấu đạt được mục tiêu khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

          Trước đó, ngày 9/8, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và các đại biểu tham dự hội thảo đã tham quan thực địa, khảo sát hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm tại một số xã của huyện Yên Khánh.

Lê Lành