Chiều 2/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tổ chức hội nghị trực tuyến tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương...

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế báo cáo tóm tắt tình hình dịch bệnh COVID-19 trong cả nước đến thời điểm hiện nay.

Theo đó, tính đến 9h ngày 02/8, trên thế giới ghi nhận trên 18 triệu người mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, với trên 688 nghìn người tử vong. Tại Việt Nam, tính đến 9h ngày 02/8, ghi nhận 590 trường hợp mắc, trong đó đã chữa khỏi 373 bệnh nhân, đang điều trị 217 ca. Từ ngày 25/7 đến nay, cả nước đã có thêm 168 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, lây lan ở 7 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó đã có 05 ca tử vong.

Dự báo, dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng và lây lan tại nhiều địa phương trong cả nước. Số trường hợp được phát hiện sẽ vẫn tập trung có liên quan dịch tễ đến Bệnh viện Đà Nẵng và tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc tại cộng đồng tại các địa phương khác, đồng thời có thể sẽ có thêm các trường hợp tử vong do có nhiều bệnh nhân đã có bệnh lý nền rất nặng. Tình hình dịch bệnh hiện rất phức tạp và khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế-xã hội của đất nước.

Tại hội nghị, các đại biểu và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã phát biểu ý kiến, nêu các giải pháp, kiến nghị trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời điểm hiện nay, tập trung vào các nội dung như: Các phương án cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; có biện pháp kiểm soát đặc biệt đối với thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố nguy cơ cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh giáp Đà Nẵng...

Việc kiểm tra, giám sát đối với các mặt hàng phòng dịch cũng như đảm bảo nguồn cung - cầu về lương thực, thực phẩm trong thời điểm dịch bệnh. Vấn đề tuyên truyền, quản lý các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về dịch bệnh thống nhất, hiệu quả, không để chủ quan, lơ là, nhưng cũng không gây hoang mang, lo lắng trong xã hội.

Cùng với đó, đề xuất các phương án cách ly, đẩy mạnh tuyên truyền tại cộng đồng; vấn đề xử lý rác thải y tế, rác thải sinh hoạt; tập trung phương tiện, trang thiết bị, nhân lực điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế...
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao sự tham gia đầy đủ, các báo cáo chi tiết và phát biểu có trách nhiệm của những người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc và quyết tâm chống dịch COVID-19 của các địa phương và cả nước trong giai đoạn 2 của dịch bệnh.

Nhấn mạnh việc dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Quảng Nam, Đà Nẵng và lây lan ra nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, kiên quyết khoanh vùng dập dịch và giãn cách xã hội ở các tỉnh, thành phố, khu vực có dịch trong cộng đồng, hạn chế sự lây lan dịch bệnh và các ca tử vong. Đồng thời cần sự chung tay, nỗ lực của các địa phương trong thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe và an sinh xã hội cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng đặt vấn đề, tùy vào tình hình thực tế diễn tiến dịch bệnh tại các địa phương để thực hiện giãn cách xã hội như thế nào, đến đâu, chứ không phải tất cả các nơi đều giãn cách xã hội.
Với tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết, nhưng cũng cần đảm bảo các điều kiện để phát triển kinh tế. Muốn làm được điều này, đòi hỏi sự chỉ đạo thật tốt của các cấp, các ngành và sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân thì mọi nhiệm vụ mới thành công...

Đối với Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh hiện đang điều trị 10 ca bệnh xác định tại Phòng khám đa khoa khu vực Cầu Yên (huyện Hoa Lư), sức khỏe các ca bệnh diễn biến tốt, nhiều ca có kết quả xét nghiệm 3 -4 lần âm tính.

Ngành Y tế đã rà soát tất cả các trường hợp có tiền sử về từ Đà Nẵng từ ngày 01/7/2020. Kết quả rà soát đến 09h ngày 02/8, toàn tỉnh có 2.552 trường hợp liên quan đến Quảng Nam-Đà Nẵng. Sau khi rà soát, ngành Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm với tất cả các trường hợp có tiền sử đi về từ Đà Nẵng, Quảng Nam từ ngày 18/7 và những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đau họng... hoặc có tiền sử đến những địa điểm có nguy cơ cao tại Đà Nẵng.

Đã lấy 1.629 trường hợp, trong đó 642 trường hợp có kết quả âm tính, còn lại 987 trường hợp chưa có kết quả. Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh được ngành Y tế và các ngành liên quan và toàn xã hội quan tâm, thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.

Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, đồng chí Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh cho rằng, dịch bệnh COVID-19 sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, trên cơ sở các nội dung tại hội nghị trực tuyến, các thành viên BCĐ tỉnh căn cứ nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về dịch bệnh để người dân nghiêm túc thực hiện...

Ngành Y tế tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện theo các kịch bản tình huống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chủ động trước các tình huống dịch bệnh để có phương án thực hiện đạt hiệu quả.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Sở GD&ĐT khẩn trương rà soát cán bộ, giáo viên và học sinh liên quan đến dịch bệnh cần xét nghiệm, đồng thời phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện, có phương án cụ thể, chi tiết theo diễn biến dịch bệnh và theo quy định của Bộ Giáo dục- đào tạo...
Hiện tỉnh Ninh Bình chỉ còn 3 đại hội cấp trên cơ sở, khi tổ chức Đại hội cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, như sát khuẩn tay, không tổ chức ăn uống đông người...

 

Tác giả: Kim Thoa (Nguồn Báo Ninh Bình)