Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, một số trường hợp kéo dài dưới 2 tuần, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thân, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. 

Biểu đồ 1: Phân bố ca mắc cúm theo địa phương tại tỉnh Ninh Bình năm 2023

Biểu đồ 2: Phân bố ca mắc cúm theo thời gian tại tỉnh Ninh Bình năm 2023

 

​​​​Tại Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện rải rác quanh năm, thường tăng cao vào mùa lạnh và thời điểm giao mùa, nguyên nhân chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.

Tại tỉnh Ninh Bình, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh cúm mùa xuất hiện rải rác quanh năm, năm 2023 toàn tỉnh ghi nhận 9.370 ca mắc, không ghi nhận trường hợp nào tử vong, số ca mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 4 năm sau. Trong năm 2023, các huyện ghi nhận số ca mắc cao là Kim Sơn và thành phố Ninh Bình. Đáng chú ý, theo kết quả giám sát thường xuyên tại các cơ sở điều trị, số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc cúm có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây, kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy có nhiều trường hợp mắc cúm A, đặc biệt là trẻ em.

Bệnh cúm mùa không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng khi mắc. Tiêm phòng vắc xin cúm được coi là phương pháp phòng bệnh cúm mùa hiệu quả nhất. Vắc xin phòng cúm có khả năng tạo kháng thể để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của vi rút cúm. Khả năng bảo vệ của vắc xin cúm sau khi tiêm có thể đạt tới 97%. Trẻ em từ 6 tháng tuổi, phụ nữ có thai, người già, người có bệnh mạn tính là đối tượng cần tiêm phòng cúm hàng năm bởi đây là nhóm nguy cơ mắc cúm cao và có khả năng bị biến chứng nặng hơn so với người khác.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.

3. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.

5. Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

6. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

           Ngoài ra, trong thời gian tới, điều kiện thời tiết kết hợp với việc giao lưu, đi lại gia tăng, nhu cầu mua bán, giết mổ gia cầm phục vụ các ngày Lễ Tết tăng mạnh kéo theo nguy cơ xuất hiện và bùng phát các dịch bệnh cúm gia cầm nguy hiểm như cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), người người dân cần:

1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.​

 

 

 TTGDSK