Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trên địa bàn các xã nông thôn tỉnh Ninh Bình có khoảng 96,7% số dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn và đô thị cùng với các nguồn cấp nước nhỏ lẻ đang cấp nước sạch đáp ứng quy chuẩn cho 68,2% số hộ dân nông thôn sử dụng.

Hiện nay, trên địa bàn các xã nông thôn của tỉnh có 68 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang hoạt động, được chia theo 4 mô hình quản lý: doanh nghiệp quản lý 47 công trình (Công ty cổ phần Nước sạch và Vệ sinh nông thôn: 30 công trình, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình: 04 công trình, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân: 01 công trình, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Nước sạch và Môi trường Hùng Thành: 04 công trình, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Trung Thành: 04 công trình, Doanh nghiệp tư nhân Đại Thắng: 01 công trình, Công ty TNHH Nước sạch môi trường và Giống cây trồng Đồng Phong: 01 công trình, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Hoàng Bình Minh: 01 công trình, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Phú Vinh: 01 công trình); Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 02 công trình; Tư nhân quản lý 02 công trình (Công trình thôn Côi Trì - Yên Mỹ và Chợ Bút - Yên Mạc); UBND xã quản lý 17 công trình. Các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được thực hiện xã hội hóa. Hiện tại, các công trình chưa được giao cho các công ty, doanh nghiệp và Trung tâm quản lý đa phần là các công trình có quy mô cấp thôn, công suất thấp, hiện trạng công trình xuống cấp nghiêm trọng, trên địa bàn kinh tế khó khăn, hiện đang do UBND xã quản lý.

          Từ năm 2019 đến nay, các đơn vị được giao quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung đã tiến hành đầu tư, sửa chữa, bảo dưỡng nhiều hạng mục; nâng cấp trạm bơm cấp 1, cấp 2, hệ thống tủ điện, máy bơm; xây dựng hệ thống lọc 2 lắng, hệ thống xử lý; mở các tuyến đường ống trục chính, khoan thêm giếng, tháo dỡ, di chuyển, cải tạo, nâng cấp đường ống nước; di chuyển nhiều đồng hồ ra đúng vị trí. Phối hợp với chính quyền xã thực hiện việc cắm mốc giới, biển báo phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, xử lý các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành để công trình hoạt động thường xuyên, liên tục.

          Trong tổng số 116/119 xã trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh (không tính 03 xã thuộc TP. Ninh Bình do 100% hộ dân đã sử dụng nước sạch từ Nhà máy nước thành phố và Nhà máy nước Thành Nam) hiện có: 100 xã đã được tiếp cận với nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung; còn 16 xã chưa được tiếp cận với nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung (Phú Sơn, Sơn Hà, Sơn Lai, Văn Phú, Văn Phương - huyện Nho Quan; Ân Hòa, Chất Bình, Hồi Ninh, Hùng Tiến, Kim Định, Kim Đông, Kim Trung, Xuân Chính - huyện Kim Sơn; Khánh Công, Khánh Cường, Khánh Thủy - huyện Yên Khánh), người dân trên địa bàn sử dụng nước hợp vệ sinh từ các nguồn nước nhỏ lẻ (giếng đào, giếng khoan, bể chứa nước mưa,...).

Nguyễn Minh (Cổng thông tin điện tử tỉnh)