Thực hiện Kế hoạch số 38/KH-BCĐ ngày 28/3/2023 của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Chương trình  phòng, chống ma túy năm 2023...

Thực  hiện  Kế  hoạch số 38/KH-BCĐ ngày 28/3/2023 của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy năm 2023; ngày 21/6/2023, Sở Y tế xây dựng Kế hoạch số 64/KH-SYT về thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy năm 2023 của ngành Y tế như sau:

          Mục đích: Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; nâng cao năng lực, phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngành y tế làm công tác chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy nhất là tại tuyến y tế cơ sở, đẩy mạnh phối hợp giữa các đơn vị trong ngành và các ban ngành, đoàn thể của tỉnh, huy động sức mạnh toàn dân trong công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế và giảm sự gia tăng người nghiện ma túy mới, giảm tỷ lệ người nghiện ma túy ngoài xã hội, triển khai hiệu quả công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, giảm tác hại của ma túy đến sức khỏe cộng đồng. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y, dược; kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất trên địa bàn tỉnh.

          Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 138 tỉnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Tăng cường tuyên truyền, vận động, thu dung người  nghiện các chất dạng thuốc phiện trong cộng đồng đăng ký tham gia Chương trình, hạn chế người bỏ điều trị nhằm hoàn thành và vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tăng cường phối  hợp với ngành Công  an, chính quyền các địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở điều trị Methadone trong toàn tỉnh. Tiếp tục mở rộng mạng lưới điều trị và cấp phát thuốc Methadone cho người nghiện chất dạng thuốc phiện tạo điều  kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ. Nghiên cứu, đề xuất triển khai ứng dụng các loại thuốc cai nghiện ma túy. Tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y, dược. Ngành y tế chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân  phối và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất  nhằm phát  hiện và xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 80/NĐ -CP ngày 05/11/2001 của Chính phủ về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức xác định tình trạng nghiện cho người nghiện ma túy, phục vụ hiệu quả công tác đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.

          Các giải pháp thực hiện:

          Nâng cao hiệu quả điều hành, chỉ đạo thực hiện toàn diện  công tác phòng, chống ma túy: Tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống ma túy. Thủ trưởng các đơn vị tổ chức quán triệt, tuyên truyền và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nội dung Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; kế hoạch số 180/KH-BCĐ ngày 18/10/2022 của 138 tỉnh về thực hiện Dự án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại các địa bàn, tuyến trọng điểm”; kế hoạch số 179/KH-BCĐ ngày 18/10/2022 về thực hiện Dự án “Giải quyết điểm, thụ điểm và chuyển hoa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy tại xã, phường, thị trấn”…Tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực y, dược, tổ chức quản lý chặt chẽ các hoạt động  sử dụng tiền chất ma túy và thuốc có chứa chất ma túy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối và sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất trên địa bàn tỉnh.

          Tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống ma túy, nâng cao năng lực, hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ma túy, huy động cán bộ y tế và người dân tham gia công tác đấu tranh ngăn chặn, bài trừ tội phạm và tệ nạn ma túy trong cộng đồng. Tuyên truyền về lợi ích của chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, giới thiệu về các cơ sở đủ điều kiện điều trị nghiện các  chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trong tỉnh, khuyến khích người nghiện trong cộng đồng tự nguyện đăng ký tham gia chương trình.

          Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy: Phối hợp  các ngành có liên quan phát triển hệ thống dịch vụ xã hội hỗ trợ người nghiện. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho công tác điều trị và cai nghiện ma túy. Tăng cường công tác quản lý người sử dụng, người nghiện, người cai nghiện ma túy và đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy. Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí xác định mức độ lạm dụng, nghiện ma túy và phác đồ điều trị nghiện, rối loạn do sử dụng ma túy phù hợp với các quy định pháp lý và thực tế tại Ninh Bình; thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy.

          Tăng cường công tác tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác điều trị, cai nghiện ma túy: Thường xuyên tổ chức lớp tập huấn về  chẩn đoán, điều trị nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế  nhằm nâng cao chuyên môn cho các cán bộ y tế.

          Tăng cường phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin trong công tác phòng, chống ma túy: Tăng cường phối hợp với ngành Công an, chính quyền các địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở điều trị Methadone, cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy.

Diệu Thúy