Ngày 1/5, tại cuộc họp báo ở thủ đô London (Anh) các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tuyên bố: Biến thể mới của virus cúm A/H7N9 bùng phát tại Trung Quốc trong thời gian vừa qua là mối đe dọa nghiêm trọng đối với con người. Còn tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân nhập viện vì mắc virus cúm A/H1N1.
![]() |
BV Bệnh Nhiệt đới TƯ một tháng qua liên tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 |
Chủng cúm A/H1N1 năm 2009 xuất hiện trở lại
Ths. BS Nguyễn Tiến Lâm – Trưởng khoa Virus Kí sinh trùng – BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, trong thời gian gần đây, rải rác có bệnh nhân nhập viện do cúm A/H1N1. Mặc dù chưa thành dịch lớn nhưng số bệnh nhân nhập viện tăng hơn so với trước và có nhiều diễn biến phức tạp. Biểu hiện là trong vòng một tháng qua, tại BV Bạch Mai và BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, có đến ba bệnh nhân mắc chủng cúm A/H1N1 tử vong.
Theo TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 chủng năm 2009 tăng mạnh, chiếm tới 70% mẫu bệnh phẩm cúm lấy tại 10 điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia khu vực Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên. Trong thời điểm đầu và trung tuần tháng 4, lượng bệnh nhân cúm A/H1N1 chiếm 48%/ tổng số bệnh nhân cúm, còn thống kê năm 2012 bệnh nhân cúm A/H1N1 chỉ ở mức 5-6%.
Đặc biệt, ngày 25/4, tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H1N1. Tính đến ngày 30/4 có tổng số 37 học sinh mắc bệnh và kết quả xét nghiệm những mẫu bệnh phẩm đầu tiên đã cho thấy học sinh ở đây nhiễm chủng cúm A/H1N1 năm 2009. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ đại dịch cúm 2009 có sự xuất hiện trở lại của ổ dịch cúm với hàng chục người mắc tại Việt Nam. Do có sự đề phòng và kinh nghiệm nên Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Lào Cai và Phòng Y tế Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã cách ly, tiến hành khử trùng ổ dịch nên gần một nửa học sinh trên đã hết sốt, sức khỏe tiến triển tốt.
Theo Ths.BS Nguyễn Tiến Lâm, người bệnh cúm có biểu hiện sốt cao, đau ngực nên đi khám, tư vấn bác sĩ sớm để được chỉ định nên cách ly tại nhà hay điều trị tại bệnh viện. Biện pháp phòng bệnh cúm đặc hiệu nhất hiện nay vẫn là thông thoáng nhà cửa, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường mũi họng hằng ngày, rửa tay đúng cách bằng xà phòng. Ngoài ra cần phải cẩn thận để hạn chế lây virus cúm từ các vật dụng công cộng như điện thoại, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang cũng như các tiếp xúc hằng ngày.
Tại những điểm có người nhiễm cúm cần tránh tập trung đông người, đeo khẩu trang bắt buộc khi tiếp xúc với người bệnh. Ngoài ra có thể tiêm vaccine ngừa cúm A/H1N1 chủng 2009 được tích hợp vào vaccine cúm mùa thông thường.
Virus cúm A/H7N9 đã biến thể
Theo các chuyên gia WHO, cúm A/H7N9 là chủng virus có thể gây tử vong cao và có thể là nguyên nhân dẫn đến một đại dịch toàn cầu. Hiện nay, con người có khả năng bị nhiễm virus H7N9 từ gia cầm và chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy virus này lây từ người sang người. Tuy nhiên, virus cúm A/H7N9 có hai kiểu đột biến gene, điều đó làm tăng khả năng lây lan từ người sang người. Nếu khả năng này xảy ra, đây sẽ là điều kiện gây đại dịch cúm A/H7N9 ở người.
Một nhà khoa học làm việc tại Viện Nghiên cứu y học quốc gia Anh cho rằng, virus cúm A/H7N9 lây lan tự do trong môi trường sống trong thời gian càng dài thì nguy cơ nó lây từ người sang người càng cao. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các bệnh về đường hô hấp thuộc Trường cao đẳng Hoàng gia London, ông Peter Openshaw, cho biết bệnh dịch này đang diễn biến khá phức tạp. Nếu cúm A/H7N9 lây lan rộng rãi hơn, sự bùng phát dịch bệnh này sẽ trở nên hết sức nguy hiểm.
Các chuyên gia cũng ghi nhận rằng các bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 ở mọi lứa tuổi khác nhau, điều đó cho thấy không lứa tuổi nào có thể miễn dịch với chủng cúm này. Theo số liệu của WHO, tại Trung Quốc tính đến nay đã có ít nhất 125 ca nhiễm cúm H7N9, trong đó 24 người tử vong.
Trước đó, theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây bùng phát cao. Theo các chuyên gia dịch tễ trong nước, virus H7N9 có tính chất lây lan như H5N1 nhưng độ gây bệnh và độc tính nhẹ hơn.
giadinh