Hiện khu vực châu Á có khoảng 5 triệu người có nguy cơ tử vong do kháng kháng sinh, trong đó Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng thuốc gia tăng nhanh.
Xem hình

Đó là thông tin được PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đưa ra tại Hội thảo xây dựng tiêu chuẩn chất lượng và chỉ số đánh giá trong phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam tổ chức ngày 10 và 11/12 tại Hà Nội.

Ths. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, vấn đề kháng thuốc đã trở nên báo động. Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động.

Việt Nam là một trong những quốc gia có sự gia tăng vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng, đặc biệt nhóm vi khuẩn gram âm, thường xuất hiện trong các bệnh viện đã kháng cả kháng sinh carbapenem. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới.

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020, đồng thời ký kết với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường trong phòng chống kháng thuốc. Bộ Y tế cũng đã thành lập đơn vị giám sát phòng chống kháng thuốc; phát động Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc trên khắp cả nước để thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, người dân và người bán thuốc trong việc chỉ định, sử dụng và kinh doanh thuốc...

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện khu vực châu Á có khoảng 5 triệu người có nguy cơ tử vong do kháng kháng sinh. Trong đó Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng thuốc gia tăng nhanh.

Ba yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề kháng kháng sinh đó là người kê đơn - bác sĩ, Người sử dụng thuốc - Người bệnh và Người bán thuốc. Tại tuyến Trung ương, các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, các bác sĩ thiếu thời gian đánh giá tình trạng người bệnh, người bệnh luôn kỳ vọng được sử dụng thuốc khi lên tuyến trên, bác sĩ cũng chịu tác động của trình dược viên, tuyến xã thì thiếu phương tiện chẩn đoán, xét nghiệm.... Trong khi đó, người bệnh sử dụng kháng sinh không hợp lý, hay tự ý chữa bệnh, người bán thuốc không tuân thủ quy định, bán theo yêu cầu của người bệnh và chạy theo lợi nhuận...

Sử dụng kháng sinh trong cộng đồng

Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn.

Trong tổng số 2953 nhà thuốc được điều tra: có 499/2083 hiệu thuốc ở thành thị (chiếm tỷ lệ 24%) và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn (chiếm tỷ lệ 29,5%) có bán đơn thuốc kê kháng sinh. Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Mua kháng sinh để điều trị ho 31,6% (thành thị) và sốt 21,7% (nông thôn). Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin (29.1%), cephalexin (12.2%) và azithromycin (7.3%). Người dân thường yêu cầu được bán kháng sinh mà không có đơn 49,7% (thành thị) và 28,2% (nông thôn).

Sử dụng kháng sinh và tình hình kháng kháng sinh trong bệnh viện

Theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh,… về sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh giai đoạn 2008 – 2009 cho thấy: năm 2009, 30 – 70% vi khuẩn gram âm đã kháng với cephalosporin thế hệ 3 và thế hệ 4, gần 40-60% kháng với aminoglycosid và fluoroquinolon. Gần 40% chủng vi khuẩn Acinetobacter giảm nhạy cảm với imipenem.

Còn theo kết quả “Tìm hiểu thực trạng sử dụng kháng sinh trong nhiễm khuẩn bệnh viện tại các đơn vị điều trị tích cực ở một số cơ sở khám, chữa bệnh” cho thấy 4 chủng vi khuẩn phân lập được nhiều nhất là Acinetobacter spp, Pseudomonas spp, E.coli, Klebsiella spp. 4 chủng này đều là vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 (khoảng từ 66-83%), tiếp theo là nhóm aminosid và fluoroquinolon tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%.

Sự kháng thuốc cao còn được phản ánh qua việc sử dụng kháng sinh theo kinh nghiệm ban đầu không phù hợp với kết quả kháng sinh đồ là 74%.

 

Theo VnMedia


Tác giả: Theo VnMedia