Tại Hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế diễn ra vào ngày 19.10, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, trước mắt, việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ chỉ áp dụng cho các đối tượng có bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Bộ Y tế, cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12.2015 sẽ đưa tất cả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trực tiếp cho người bệnh và một loạt phụ cấp của cán bộ, nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế. Đến khoảng đầu năm 2016, giá dịch vụ y tế sẽ được cộng thêm lương bác sĩ, y tá.... Theo ông Nguyễn Nam Liên, với cách tính dịch vụ y tế như vậy, người bệnh sẽ không phải trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Mặt khác, giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ.

 

Dự kiến khoảng 1.800 dịch vụ y tế cơ bản sẽ tăng, ước tính tối thiểu tăng 20% so với hiện hành. Trước mắt, sẽ áp dụng ở nhóm bệnh nhân tham gia BHYT. Trong năm 2016 mới bắt đầu áp dụng với nhóm chi trả viện phí trực tiếp.

 

Bộ Y tế phân tích, với chính sách này, khoảng 23,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội (đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, thân nhân người có công với cách mạng…) sẽ có lợi vì được BHYT chi trả 100% chi phí KCB. Chất lượng KCB tăng nhưng người bệnh sẽ không phải chi trả thêm những khoản phát sinh - những chi phí trước đây chưa kết cấu vào giá.

 

Chi phí KCB được dự báo không tác động nhiều với nhóm người cận nghèo (được BHYT thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh). Tuy nhiên, dù đã được Nhà nước hỗ trợ 70% tiền mua BHYT nhưng hiện nay, chỉ mới có 40% người cận nghèo tham gia BHYT.

 

Bị tác động rõ ràng nhất là nhóm công nhân viên chức và những người tham gia BHYT theo hộ gia đình được BHYT thanh toán 80% chi phí KCB. Việc tăng giá dịch vụ y tế sẽ nâng số tiền nằm trong 20% chi phí họ phải đồng chi trả. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên thì số tiền này không nhiều. Ngược lại, người bệnh sẽ có lợi khi số tiền đồng chi trả trong năm của họ cao hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 7 triệu đồng). Bởi từ 1.1.2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên khi đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

 

Với việc tăng giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh có giải pháp quyết liệt làm tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT. Hiện nay, vẫn còn khoảng 30% người dân chưa có BHYT. Đa phần họ thuộc các hộ cận nghèo, những người làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình.

 

http://laodong.com.vn