Ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế dang trở thành yêu cầu cấp thiết. Tại một số bệnh viện lớn, đây được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần nâng cao dịch vụ y tế, từng bước đáp ứng yêu cầu về khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội là nơi đã áp dụng nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, theo dõi điều trị bệnh từ năm 2009. Hiệu quả đầu tiên có thể thấy rõ là việc sử dụng bệnh án điện tử trong quản lý và điều trị bệnh, nhất là với những bệnh nhân phải tái khám nhiều lần. Mỗi bệnh nhân được cấp một thẻ có mã số riêng, có thể truy cập vào trang thông tin điện tử của Khoa để xem lại bệnh án của mình tại nhà. Khi tái khám, chỉ cần có mã số là bác sĩ có thể biết tiền sử bệnh của bệnh nhân, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân do không phải làm lại những thủ tục như lần đầu. Hàng ngày, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Vì thế, bệnh án điện tử là biện pháp hữu hiệu góp phần giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân. TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh án điện tử có ưu điểm giúp bác sĩ tìm thông tin nhanh chóng, chính xác, biết tiền sử và diễn biến bệnh, hỗ trợ tìm kiếm các tương tác thuốc. Theo TS. Nguyễn Minh Thông, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, với những kết quả của Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viên đang tiến hành triển khai nhân rộng mô hình này. Dự kiến, thời gian tới Bệnh viện xây dựng được chuẩn chung cho tất cả các loại danh mục và kết nối toàn Bệnh viện

Mặc dù nhận thấy hiệu quả lớn của công nghệ thông tin, tuy nhiên đến nay, việc áp dụng thẻ điện tử này mới được áp dụng tại 17 khoa và bệnh viện cũng chưa có hệ thống phần mềm thống nhất để kết nối toàn bệnh viện.

Trên cả nước, hiện có khoảng 20% số bệnh viện ứng dụng thành công phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện. Nếu nhân rộng mô hình bệnh án điện tử trên toàn hệ thống cơ sở điều trị trên  phạm vi toàn quốc sẽ đem lại những lợi ích rất lớn cho cộng đồng cũng như ngành Y tế. Trên góc độ kỹ thuật, việc liên thông này đòi hỏi sự phù hợp về qui mô, tích hợp của hạ tầng mạng, thiết bị…. mà trong đó vấn đề thiết yếu là sự liên thông cơ sở dữ liệu bệnh nhân giữa các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh. Bệnh án điện tử mà sau đó là bệnh viện điện tử chỉ thực sự phát huy hết những ưu điểm của nó khi thông tin về bệnh nhân được chấp nhận và liên thông ở các cơ sở khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và đào tạo, Bộ Y tế cho rằng công nghệ thông tin đang góp phần không nhỏ trong việc chống quá tải tại các bệnh viện. Tuy nhiên, ông Phương cũng chỉ ra một số bất cập về ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế như việc đầu tư cho công nghệ thông tin còn manh mún, dàn trải, thiếu dự án độc lập, thiếu thiết kế tổng thể về ứng dụng công nghệ thông tin, các chuẩn dữ liệu công nghệ thông tin chưa được áp dụng hoàn chỉnh, chưa có phần mềm dùng chung cho toàn ngành, nguồn nhân thực thì còn yếu, thiếu…

Về kế hoạch phát triển công nghệ thông tin trong ngành Y tế, ông Nguyễn Hoàng Phương cho biết, để hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đạt hiệu quả hơn, giai đoạn 2011 - 2015, ngành Y tế tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin tích hợp; đảm bảo trang bị và duy trì hoạt động bền vững của các hệ thông tin y tế phục vụ công tác quản lý, điều hành; phấn đấu đến năm 2015, có các phần mềm hỗ trợ tất cả các hoạt động quản lý, điều hành tại cơ quan Bộ Y tế.

Ngành Y tế là ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, công việc luôn chịu áp lực cao, đòi hỏi phải khẩn trương, minh bạch. Vì vậy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, góp phần giảm tải bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến Trung ương.