Sáng 21/6, Thành uỷ Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TƯ ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khoá X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước.

Sáng 21/6, Thành uỷ Ninh Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TƯ ngày 22/01/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khoá X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06, mạng lưới y tế cơ sở của thành phố Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Từ 91/97 tổ dân phố (thôn) có cán bộ y tế, đến nay 180/180 tổ dân phố có cán bộ y tế, Hiện nay 14/14 trạm y tế phường, xã và Trung tâm y tế thành phố duy trì thường xuyên công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Nhiều chương trình y tế quốc gia được triển khai nghiêm túc, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hàng năm đạt trên 99%; trẻ em dưới 5 tuổi được uống vitamin A, đạt 99,5%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 24,5% (năm 2002) xuống còn 12,48% (năm 2011); 100% phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván… Từ năm 2003 đến nay, thành phố đã chi từ ngân sách địa phương trên 20 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế và một số loại thuốc thiết yếu theo yêu cầu chuẩn Quốc gia, nhằm tăng khả năng phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh theo phân tuyến kỹ thuật. Đến năm 2009, tất cả 14 phường, xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố khoá XVII đề ra…

Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng công tác y tế trên địa bàn thành phố vẫn còn một số tồn tại: cơ sở vật chất một số trạm y tế đã xuống cấp; dụng cụ y tế, trang thiết bị làm việc của một số trạm y tế phường, xã chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ y tế cơ sở chất lượng chưa đồng đều, thiếu bác sĩ (còn 5 trạm y tế chưa có bác sĩ); chất lượng khám và điều trị bệnh ở một số trạm y tế còn hạn chế, số người bệnh chuyển lên tuyến trên còn nhiều…

Đối với công tác phụ nữ, sau 5 năm triển khai, kết quả đạt được là nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, hộiviên và quần chúng nhân dân về công tác phụ nữ và bình đẳng giới có sự chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống chính trị và nhân dân; ngoài ra còn có chính sách riêng cho phụ nữ, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ về nhiều lĩnh vực: đời sống, việc làm, trình độ, năng lực, sức khoẻ, nâng cao địa vị kinh tế và vị thế trong gia đình.

Các cấp uỷ Đảng đã quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ được học tập nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tham gia các lớp tập huấn, đạt 63,7%. Thành phố có 98,5 cán bộ nữ có trình độ đại học, trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó có 25,9% cán bộ nữ có trình độ cao cấp lý luận chính trị… 5 năm, gần 22 nghìn lượt phụ nữ được truyền thông, tư vấn về SKSS/KHHGĐ và khám, chữa bệnh giới tính; 99% phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế; 100% phụ nữ mang thai được khám đủ 3 lần… do đó sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em gái được cải thiện rõ rệt…

Trong những năm tới, thành uỷ Ninh Bình tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phụ nữ với những mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên và nhân dân; bố trí cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, quan tâm đến việc phân công quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ nữ; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, phụ nữ do thu hồi đất; tạo điều kiện để phụ nữ nghèo được vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế…

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả: Trung tâm TTGDSK