Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống thanh tra y tế từ trung ương đến địa phương đã có những bước phát triển đáng kể: tăng cường về lực lượng, nâng cao năng lực cán bộ và từng bước đổi mới phương thức hoạt động để có những đóng góp quan trọng vào công tác quản lý nhà nước về y tế.

Lực lượng tăng gấp 5 lần

Các Ban Thanh tra thuộc Bộ Y tế và các Ty y tế (nay là Sở y tế) đã được Chính phủ cho phép thành lập từ năm 1945, với nhiệm vụ chủ yếu là thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Y tế và Trưởng Ty y tế (nay là Giám đốc Sở y tế).

Sau khi có Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989, Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 và Điều lệ Thanh tra Nhà nước về Y tế năm 1991, hệ thống thanh tra nhà nước về y tế (thanh tra y tế) được thành lập từ trung ương đến các địa phương. Tại trung ương, Thanh tra Bộ Y tế chính thức thành lập từ năm 1991 theo Quyết định số 1087/BYT-QĐ ngày 05/12/1991 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Từ chỗ chỉ có trên 10 cán bộ, đến nay, Bộ Y tế đã có gần 70 cán bộ công chức làm công tác thanh tra, bao gồm cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm và Thanh tra Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Tại các địa phương, Thanh tra Sở y tế cũng đã được thành lập từ năm 1991. Từ chỗ mỗi Sở chỉ có từ 1 - 2 cán bộ, đến nay, Thanh tra Sở đã có từ 3 - 5 cán bộ. Riêng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh đông dân, mỗi địa phương có từ 10 cán bộ trở lên. Bên cạnh đó, hiện tại 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã có thêm thanh tra chuyên ngành thuộc các Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm. Mỗi Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm có từ 3 - 6 cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành. Như vậy, tổng số cán bộ thanh tra toàn ngành Y tế đã lên trên 500 người, gấp 5 lần so với năm 1991.

Đặc biệt, hầu hết cán bộ làm công tác thanh tra đã được đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng thanh tra chung, thanh tra chuyên ngành y tế và các chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số kế hoạch hóa gia đình. Hằng năm, Thanh tra Bộ Y tế cùng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho hàng ngàn cộng tác viên thanh tra tại các đơn vị sự nghiệp nhằm trang bị kiến thức kỹ năng cho lực lượng thanh tra kiêm nhiệm tới tuyến huyện. Lực lượng này đã trở thành “cánh tay nối dài” của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở, giúp cho cơ quan quản lý các cấp của ngành Y tế làm tốt công tác thanh tra, góp phần làm tốt công tác quản lý nhà nước về y tế.

Tích cực, chủ động và trách nhiệm

Được củng cố không ngừng cả về số lượng và chất lượng, hệ thống thanh tra y tế đã tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2006 - 2010, sau khi được kiện toàn theo các quy định của Chính phủ, hoạt động thanh tra y tế trên tất cả các lĩnh vực đã có nhiều khởi sắc. Công tác thanh tra y tế đã chuyển từ thanh tra vụ việc bị động sang thanh tra có chương trình mục tiêu tương đối chủ động; từ thanh tra phân tán theo cấp hành chính sang thanh tra chuyên đề, chuyên ngành, phối hợp thống nhất giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành; gắn công tác thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng chống tham nhũng. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động thanh tra tăng lên, tác dụng thanh tra ngày càng rõ rệt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.

Trong 5 năm qua, hoạt động thanh tra chủ yếu tập trung vào thanh tra các lĩnh vực như thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, khám chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm... và thanh tra hành chính. Qua triển khai thanh, kiểm tra tại 942.574 cơ sở thuộc các lĩnh vực dược, y tế dự phòng và khám chữa bệnh trên phạm vi cả nước đã phát hiện 116.853 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 114.049 cơ sở (cảnh cáo 86.193 cơ sở, phạt tiền 27.856 cơ sở). Trung bình hàng năm, thanh tra y tế đã tiếp khoảng gần 800 lượt công dân và nhận hơn 1.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã được tích cực xem xét và giải quyết kịp thời, không để kéo dài và tạo thành “điểm nóng”, góp phần tạo sự ổn định và phát triển của ngành.

Với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Y tế, Thanh tra Bộ đã tích cực đôn đốc hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Bộ Y tế đã ban hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và danh mục chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức; thực hiện việc công khai, minh bạch gắn với đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tham nhũng. Đồng thời, với vai trò thường trực Tiểu ban phòng, chống ma tuý của Bộ Y tế, hàng năm, Thanh tra Bộ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn ma tuý trong ngành Y tế; tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, xuất nhập khẩu, buôn bán và cấp phát các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc…

Ghi nhận những thành tích của thanh tra y tế trên chặng đường 20 năm đầy khó khăn, gian khổ, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đó là những phần thưởng có ý nghĩa quan trọng nhằm động viên, cổ vũ sự phấn đấu của các cán bộ công chức thanh tra y tế trong cả nước, giúp thanh tra y tế tự tin bước vào thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn mới. Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết, thời gian tới, Thanh tra Y tế sẽ tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực rèn luyện giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ thanh tra y tế, vừa có tấm lòng "lương y như từ mẫu", vừa giữ vững nguyên tắc của người cán bộ thanh tra, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.

 

Tác giả: Uyên Thảo