Sáng nay (6/12), Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với UBND TP Hà Nội long trọng tổ chức lễ phát động Tháng Hành động Quốc gia về Dân số.
Xem hình
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Bá Thủy phát biểu tại Lễ phát động

TS Nguyễn Bá Thủy - Thứ trưởng Bộ Y tế đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng.
Tới dự lễ phát động có TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Trung tâm DS-KHHGĐ các quận, huyện Hà Nội; lãnh đạo các Vụ, đơn vị trong Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế; đại diện các báo, đài Trung ương và Hà Nội cùng hơn 1.000 người dân tham dự.
Tại lễ phát động, TS Nguyễn Bá Thủy cho biết, sau gần 50 năm thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Dân số, Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010, thực hiện cam kết quốc tế về dân số, phát triển và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, công tác DS-KHHGĐ đã đạt những kết quả quan trọng.
Tình trạng gia tăng nhanh dân số về cơ bản đã được kiểm soát. Chính sách dân số đã từng bước được điều chỉnh theo hướng bao quát toàn diện hơn các vấn đề dân số, chú trọng vấn đề chất lượng dân số, góp phần đáng kể vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đổi mới và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Công tác chăm sóc SKSS cũng được đẩy mạnh và thu được những kết quả ban đầu hết sức tốt đẹp
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức gay gắt mà công tác DS/SKSS/KHHGĐ vẫn phải đối mặt như quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số. Mặc dù đã đạt mức sinh thay thế, nhưng Việt Nam vẫn có quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao, kết quả giảm sinh chưa thực sự vững chắc, chưa loại trừ được khả năng mức sinh tăng trở lại, vẫn còn sự khác biệt rõ nét về mức sinh giữa các vùng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế chậm phát triển. Giới tính khi sinh của Việt Nam ngày càng trở nên mất cân bằng.
Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ em trai trên 100 trẻ em gái) thông thường nằm trong khoảng 103-106. Trong mấy năm gần đây, tỷ số giới tính khi sinh bước vào mức cao, tăng nhanh và liên tục. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh năm 2009 là 111/100. Tình trạng này chỉ xảy ra ở các nước châu Á có tư tưởng trọng nam hơn nữ, bất bình đẳng giới. Nếu tình trạng này không được kiềm chế và kiểm soát thì sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ sau vài chục năm nữa, nhiều triệu nam thanh niên sẽ không lấy được vợ như thực trạng một số nước xung quanh ta hiện nay.
Đồng thời, Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số với 9% dân số trên 60 tuổi; con số này sẽ ngày càng lớn vì tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng. Cùng đó, chất lượng dân số thấp đang là yếu tố cản trở sự phát triển và đặt nước ta trước nguy cơ tụt hậu xa hơn... Bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chưa nhận thức đầy đủ về tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài, tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của công tác DS/SKSS/KHHGĐ, nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan thỏa mãn với kết quả đạt được và buông lỏng công tác dân số tại địa phương...
Thứ trưởng Nguyễn Bá Thủy cho hay, để công tác DS/KHHGĐ thực sự đi vào chiều sâu, giải quyết những khó khăn bất cập nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 2161/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 lấy tháng 12 là Tháng Hành động Quốc gia về Dân số. Quyết định này cho thấy cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ Việt Nam, coi vấn đề dân số là vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng hàng đầu của đất nước.

“Mục tiêu của Tháng Hành động Quốc gia về Dân số nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan đoàn thể và toàn xã hội nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác DS/KHHGĐ đối với hạnh phúc của mỗi gia đình, đối với  sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước” – Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi sự đầu tư mạnh mẽ vào công tác Dân số từ phía các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Thay mặt UBND TP Hà Nội, đơn vị tổ chức lễ phát động, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP luôn xác định công tác DS-KHHGĐ là bộ phận quan trọng của Chiến lược phát triển Thủ đô, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và cộng đồng. Bà Hằng cũng nhấn mạnh, để đảm bảo công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn TP Hà Nội thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét, chất lượng và sự ổn định trong công tác DS-KHHGĐ, UBND TP đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, MTTQ tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số.

Lễ phát động được nối dài bằng chương trình diễu hành cổ động của các lực lượng tham gia công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn Hà Nội, rầm rộ khẩu hiệu, cờ đuôi nheo thể hiện các thông điệp của công tác DS-KHHGĐ trên các tuyến phố lớn tại Hà Nội.

Tác giả: Hà Anh