Ngày 7/12/2010, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị Khoa học Kinh tế Y tế lần thứ nhất với chủ đề: “Đổi mới cơ chế tài chính y tế - Thực trạng và giải pháp”.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên và hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước; các tổ chức/hội khoa học trong nước và quốc tế; các cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; sở y tế và bệnh viện các tỉnh/thành phố...

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực phấn đấu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hội nghị đã đánh dấu một mốc quan trọng về yêu cầu cần đổi mới tư duy trong lĩnh vực kinh tế y tế ở Việt Nam. Từ năm 2008, Đảng và Nhà nước đã có nhiều quyết sách giúp ngành y tế giải quyết hài hòa giữa những vấn đề vừa là cấp bách, vừa là thách thức liên quan đến hệ thống y tế và tài chính y tế như Luật Bảo hiểm Y tế; Luật khám, chữa bệnh; Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 về Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về Chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Quyết định số 47/2008/QĐ-TTg ngày 02/4/2008 và Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/6/2009 về Sử dụng vốn trái phiếu chính phủ đầu tư phát triển y tế... Nhờ đó, cơ cấu tài chính y tế Việt Nam đã khởi sắc tích cực hơn nhưng vẫn còn nhiều bất cập và phải đương đầu với 5 thách thức cơ bản như Hệ thống tổ chức y tế địa phương chưa ổn định và nhất quán; Dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm, điều kiện vệ sinh môi trường còn nhiều phức tạp; Nhu cầu đầu tư và chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao nhưng nguồn lực còn hạn chế; Chính sách viện phí và cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp y tế còn chậm đổi mới; Năng lực quản lý và chuyên môn của hệ thống y tế còn hạn chế trong tổ chức thực hiện cải cách hành chính và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng hy vọng, hàm lượng tri thức trong các báo cáo khoa học của chuyên gia kinh tế cùng với những bài học kinh nghiệm của WHO, WB, VNDP và các tổ chức phi chính phủ đại diện cho những nước phát triển vùng Đông Bắc Á, Đông Nam Á... sẽ là cơ sở tiền đề quý báu, hỗ trợ giúp Ngành Y tế Việt Nam hoàn thiện đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính để phát triển phù hợp với xu hướng thời đại.   

Theo Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam Dương Huy Liệu, phân tích kinh tế y tế là hoạt động rất cần thiết, bởi vì qua đó mới có những bằng chứng khoa học thuyết phục để xây dựng chính sách y tế phù hợp và xây dựng công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả về những tác động của việc thực hiện chính sách. Nội dung thảo luận của Hội nghị Khoa học Kinh tế Y tế lần thứ nhất chủ yếu tập trung vào 6 lĩnh vực liên quan đến các phạm trù công bằng, hiệu quả và phát triển của y tế, bao gồm Tài chính bệnh viện; Chất lượng dịch vụ y tế; Y tế dự phòng; Nâng cao sức khỏe; Chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và Bảo hiểm Y tế.   

 

 

Tác giả: Minh Hiền