Hệ thống y tế của nước ta được tổ chức theo tuyến tương ứng cấp hành chính. Mỗi tuyến có những đơn vị sự nghiệp có chức năng, nhiệm vụ khác nhau trong việc cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật y tế. Tuy vậy, công tác quản lý mạng lưới y tế cơ sở (gồm trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã) hiện nay đang có nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất để phát huy hết vai trò mạng lưới y tế cơ sở trong việc cung cấp dịch vụ y tế cơ bản và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Giao Thủy từng được xem là huyện điểm về phát triển mạng lưới y tế cơ sở của Nam Ðịnh, khi mà 100% số xã có bác sĩ làm việc, 90% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế... Nhưng qua nhiều lần tách - nhập, hoạt động của mạng lưới này đang yếu đi. Nguyên nhân là do đội ngũ cán bộ vốn đã thiếu từ những năm trước, nay lại càng thiếu hơn khi bị chia tách thành nhiều đầu mối. Do đội ngũ cán bộ thiếu và yếu về chuyên môn nên nhiều hoạt động khám, chữa bệnh chỉ duy trì ở mức cầm chừng, không phát triển được kỹ thuật cao, trong khi đó khi các dịch, từ cúm A (H1N1) đến tay, chân, miệng... xảy ra thì chỉ tập trung giải quyết phần ngọn (dập dịch). Không chỉ ở Giao Thủy, mà các huyện của Nam Ðịnh đều trong tình trạng đó. Với BS Ðặng Thị Minh, mười năm làm Giám đốc Sở Y tế, chứng kiến ba lần tách ra, nhập vào mạng lưới y tế tuyến cơ sở, thì mỗi việc lo ổn định tổ chức, nhân sự cũng đã mất rất nhiều thời gian. Nhưng lo lắng hơn là việc tách - nhập làm cho đội ngũ cán bộ tuyến cơ sở vốn đã mỏng (mới có 4,3 bác sĩ/mười nghìn dân, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 6,1) nay lại càng mỏng thêm. Cán bộ "rải mành mành" ở các đơn vị, dẫn đến người làm thì ít, mà cán bộ thì nhiều. Hay nói cách khác là thừa người quản lý, thiếu người thực hiện.

TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, hệ thống tổ chức y tế cơ sở có sự thay đổi lớn khi thực hiện theo Nghị định số 171/2004/NÐ-CP, Nghị định số 172/2004/NÐ-CP và Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV. Việc có hai đơn vị sự nghiệp y tế cấp huyện theo lĩnh vực, đã dẫn đến việc đồng loạt chia tách trung tâm y tế huyện thành bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng (511 huyện đã tách). Nhiều nơi không xem xét đến các điều kiện để bảo đảm ổn định hoạt động; nhiều huyện, nhất là khu vực miền núi gặp phải khó khăn, giảm khả năng huy động nguồn lực tổng hợp ở cấp huyện. Quy định Phòng Y tế quản lý trạm y tế xã làm gián đoạn tính hệ thống của ngành y tế; khả năng giám sát hỗ trợ và hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật đối với y tế xã bị hạn chế. Phòng Y tế quản lý trạm y tế xã nhưng bị hạn chế bởi năng lực và điều kiện; Trung tâm y tế dự phòng huyện hướng dẫn, giám sát về chuyên môn, kỹ thuật nhưng không quản lý về con người, trong khi quy chế phối hợp, điều hành chưa có. Qua khảo sát tại một số địa phương, chúng tôi thấy mạng lưới y tế cơ sở, nhìn bên ngoài có vẻ êm, nhưng bên trong chưa ổn.

Khắc phục những bất cập đó, liên bộ Y tế và Nội vụ xây dựng và triển khai Thông tư liên tịch số 03 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở y tế, phòng y tế thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, thực hiện chuyển việc quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn về trung tâm y tế huyện để thuận lợi trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngay tại cộng đồng, phù hợp điều kiện, năng lực. Tuy nhiên, tổ chức đơn vị sự nghiệp ở tuyến huyện hiện nay vẫn còn nhiều đầu mối. Nếu như giai đoạn trước năm 2004, ở tuyến huyện tập trung một đầu mối (trung tâm y tế), thì hiện nay có tới bốn đơn vị sự nghiệp (trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện, trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình, trung tâm an toàn vệ sinh thực phẩm) và một phòng y tế thuộc UBND huyện. Với điều kiện thực tế về nguồn nhân lực ở tuyến huyện thì việc tăng thêm tổ chức trong giai đoạn hiện nay sẽ là vấn đề khó khăn. Nhiều đầu mối nhưng quan trọng nhất là hoạt động hướng dẫn, giám sát chỉ đạo trở lại thì lại có phần lỏng lẻo, trách nhiệm không rõ ràng, dẫn đến hiệu quả hoạt động của y tế tuyến xã có nguy cơ giảm sút, nhất là khi trạm y tế được giao là nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế.

Theo thống kê, hiện 100% số huyện trong cả nước thành lập phòng y tế, có nơi được bố trí mười người, nhưng cũng có nơi mới chỉ có một người. 100% số huyện có trung tâm y tế, trong đó có 233 trung tâm (chiếm 33,62%) thực hiện hai chức năng y tế dự phòng và khám, chữa bệnh (không thành lập Bệnh viện đa khoa huyện riêng); 460 số huyện còn lại (66,38%) trung tâm thực hiện một chức năng y tế dự phòng (có thành lập Bệnh viện đa khoa huyện riêng); có 55 tỉnh, thành phố (chiếm 87,30%) giao trung tâm y tế huyện quản lý trạm y tế xã. Trong tổng số 693 đơn vị cấp huyện có 453 huyện (65,37%) có bệnh viện đa khoa huyện riêng; 62 tỉnh, thành phố (chiếm 98,41%) thành lập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở cấp huyện; có ba tỉnh đã thành lập Trung tâm An toàn vệ sinh thực phẩm ở cấp huyện, trong đó có hai địa phương thành lập ở tất cả cấp huyện và một địa phương thành lập thí điểm.

Các địa phương kiến nghị, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Thông tư liên tịch số 03 thì cơ chế quản lý cần được thống nhất ở hai cấp Trung ương và địa phương. Ở Trung ương, Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, dân số trên phạm vi toàn quốc; ở địa phương, UBND cấp tỉnh, thành phố trong đó sở y tế là cơ quan tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, dân số trên địa bàn toàn tỉnh. Việc thực hiện cơ chế "quản lý nhà nước về lĩnh vực theo cấp hành chính, quản lý đơn vị sự nghiệp theo ngành" là cơ chế phù hợp hiện nay. Ðể bảo đảm đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 03 cũng như trong việc kiện toàn hệ thống y tế ở địa phương nhiều ý kiến cho rằng: Tập trung đầu mối đơn vị sự nghiệp ở tuyến huyện, xem xét vai trò, hiệu quả của phòng y tế, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp, của trạm y tế xã, phường, thị trấn, chuyên trách dân số ở xã. Với thực trạng nguồn nhân lực y tế ở tuyến huyện, nhất là đội ngũ bác sĩ đang còn rất thiếu, Bộ Y tế đề nghị Chính phủ thay cho việc thành lập Phòng Y tế bằng việc tăng cường năng lực của cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh (Sở Y tế) và lựa chọn giải pháp có chuyên viên thuộc văn phòng UBND cấp huyện chuyên trách theo dõi về lĩnh vực y tế. Tham khảo ý kiến của lãnh đạo ngành y tế nhiều địa phương, chúng tôi thấy đều có chung nhận xét cho rằng nên quay lại mô hình trước đây. Ðó là trên địa bàn huyện chỉ nên có một đầu mối để quản lý, chỉ đạo các hoạt động y tế.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Quan điểm của Bộ Y tế hiện nay là không khuyến khích tách các đơn vị y tế tuyến dưới; không thành lập thêm các đơn vị y tế ở tuyến huyện. Vì càng tách, thành lập mới các đơn vị thì càng yếu. Trên cơ sở những đơn vị hiện có lựa chọn mô hình phù hợp.