Năm 2011, ngành Y tế sẽ nỗ lực quyết tâm phấn đấu để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Xem hình

Đạt nhiều thành tựu quan trọng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong những năm qua, ngành Y tế đã chủ động, tích cực vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai có kết quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam đã cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình của người dân đã đạt 73 tuổi, cao hơn nhiều so với những nước có mức độ phát triển kinh tế tương đương. Việt Nam đã đạt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với chỉ tiêu tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi, tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi, tỷ suất tử vong mẹ. Năm 2010, ngành Y tế tiếp tục đạt và vượt mức toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch do Quốc hội và Chính phủ giao (gồm 19 chỉ tiêu).

Mạng lưới y tế Việt Nam đã phát triển rộng khắp từ trung ương đến thôn, bản. Hiện nay, 100% xã và 90% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động, hơn 80% xã có bác sỹ hoạt động và khoảng 80% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Hệ thống y tế dự phòng đã làm tốt công tác giám sát dịch bệnh, khống chế và kịp thời dập dịch, không để dịch lớn xảy ra; kịp thời ứng phó với các vấn đề liên quan đến sức khỏe do thiên tai, thảm họa gây ra. Hệ thống khám chữa bệnh cũng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại hiệu quả cao. Số giường bệnh viện công lập đến năm 2010 đã đạt mức 20,5 giường/10.000 dân. Sau 2 năm thực hiện Đề án 1816, đã giảm 30% bệnh nhân chuyển tuyến. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai ở các bệnh viện như ghép tim, ghép thận, ghép giác mạc, ghép tế bào gốc, ghép gan, phẫu thuật nội soi…

Nguồn nhân lực y tế đã tăng cả về số lượng, chất lượng, đặc biệt là số bác sỹ, dược sĩ đại học, điều dưỡng và kỹ thuật viên y học. Hiện nay, cả nước có 21 trường/khoa y, dược đại học công lập và 3 trường/khoa y đại học tư thục. Hầu hết các tỉnh đều có trường trung cấp hoặc cao đẳng y tế. Đồng thời, nhiều loại hình cán bộ y tế đã được triển khai như cử nhân điều dưỡng, cử nhân y tế công cộng, cử nhân kỹ thuật y tế. Các hình thức đào tạo nâng cao trình độ sau đại học như bác sỹ nội trú, bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ chuyên khoa II, thạc sỹ và tiến sỹ được đẩy mạnh.

Công tác dược cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho công tác phòng chống và điều trị của nhân dân. Các cơ sở y tế từ bệnh viện đến trạm y tế đều có đủ thuốc phù hợp theo phân tuyến kỹ thuật. Công nghiệp dược phát triển mạnh cả về số lượng doanh nghiệp và mặt hàng.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trong dân số được tăng lên, ước đạt khoảng trên 60%. Chính sách hỗ trợ người nghèo và các nhóm dễ tổn thương trong khám chữa bệnh đã có những bước tiến mới. Đến nay, tổng số người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế ước đạt trên 16 triệu người.

Công tác dân số/kế hoạch hoá gia đình đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2005 và duy trì được mức sinh này trong 5 năm qua. Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản được củng cố và phát triển, bao phủ 100% huyện, 93 xã, 84% thôn, bản. Tỷ lệ bệnh viện có khoa sơ sinh, đơn nguyên sơ sinh ngày càng cao. Dịch vụ làm mẹ an toàn được thực hiện rộng rãi ở các tuyến.

Cơ cấu tổ chức, bộ máy hệ thống y tế từng bước được hoàn thiện và ổn định từ trung ương  đến địa phương. Nhiều luật, văn bản dưới luật, chiến lược, chính sách đã được xây dựng, ban hành với chất lượng cao và phát huy hiệu quả. Hợp tác quốc tế, tăng cường đối thoại với nhóm đối tác hỗ trợ y tế và các tổ chức quốc tế tiếp tục được mở rộng. Công tác tài chính cho y tế cũng đã có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng chi y tế bình quân hằng năm đạt 9,8%.

Chủ động, khẩn trương triển khai nhiệm vụ năm 2011 với quyết tâm cao

Năm 2011, ngành Y tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, các bệnh không truyền nhiễm và các dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện khó lường trước. Chi phí y tế tăng nhanh, ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế có tăng nhưng mức tăng thấp. Cơ chế hoạt động ngành Y tế vẫn còn mang tính bao cấp, chính sách viện phí còn chậm đổi mới. Đồng thời, hệ thống y tế trong thời gian qua có nhiều thay đổi, biến động, nhất là đối với các đơn vị y tế tuyến huyện. Nhân lực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong lĩnh vực y tế, đặt biệt tại tuyến y tế cơ sở. Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa phù hợp. Số đối tượng chính sách xã hội, người cao tuổi, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi… ngày càng tăng nhưng mức hỗ trợ mệnh giá bảo hiểm y tế còn thấp so với chi phí của bệnh viện. Các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển khu vực ngoài công lập chưa đủ mạnh để có thể huy động tối đa các nguồn lực của xã hội cho chăm sóc sức khỏe…. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc triệu khẳng định, năm 2011, ngành Y tế sẽ nỗ lực quyết tâm phấn đấu để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Bước sang năm 2011, năm bản lề của Kế hoạch phát triển giai đoạn 5 năm 2011 – 2015, ngành Y tế sẽ tiếp tục ổn định, củng cố và phát triển hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Cụ thể, mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh tới tận tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa; củng cố mạng lưới y tế dự phòng; triển khai thực hiện Chuẩn quốc gia y tế dự phòng tại các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển y tế nông thôn.

Đối với công tác khám chữa bệnh, ngành Y tế sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm đáp ứng sự hài lòng của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế; đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 06/2007/CT-BYT ngày 07/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó đặc biệt lưu ý không lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, dịch vụ kỹ thuật cao; thực hiện tốt công tác giáo dục nâng cao y đức. Ngành Y tế cũng sẽ tiếp tục triển khai mở rộng việc luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới (Đề án 1816); đổi mới cơ chế quản lý tài chính của các bệnh viện công; từng bước xây dựng bệnh viện xanh-sạch-đẹp; tiếp tục thực hiện chính sách quốc gia về y học cổ truyền và phát triển y học cổ truyền cả trong hệ thống công lập và ngoài công lập.

Hệ thống y tế dự phòng cũng được ưu tiên nâng cấp, củng cố và mở rộng. Theo đó, ngành Y tế sẽ xây dựng và phát triển hệ thống cánh bảo sớm, đáp ứng nhanh; tăng cường hoạt động an toàn tiêm chủng, an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm, HIV/AIDS và phòng chống các bệnh không lây truyền như ung thư, tim mạch, tiểu đường, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành Y tế tiếp tục vận động nhân dân triển khai xây dựng phong trào làng văn hóa sức khỏe, phong trào vệ sinh nông thôn với 3 công trình: nước sạch, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh.

Ngành Y tế quyết tâm trong năm 2011, tiếp tục giữ vững thị trường dược phẩm được ổn định và phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu này, ngành Y tế không chỉ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng thuốc, mà còn đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị, triển khai các biện pháp hữu hiệu để bình ổn giá thuốc, chỉ đạo đơn vị thực hiện tốt việc đấu thầu mua thuốc theo quy định. Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển sản xuất và lưu thông phân phối thuốc, phát triển dược liệu và thuốc đông y cũng sẽ được xây dựng

Để đạt chỉ tiêu về giảm tỷ lệ sinh, giảm tỷ số giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số, ngành sẽ tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát tốc độ tăng dân số, nâng cao chất lượng việc thử nghiệm, nhân rộng các mô hình, giải pháp can thiệp về kỹ thuật, kinh tế xã hội. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng mạng lưới chăm sóc sức khỏe từ trung ương tới cơ sở.  Cũng trong năm 2011, ngành sẽ hoàn thiện hệ thống đào tạo liên tục cán bộ y tế, xây dựng hệ thống đánh giá, kiểm định các cơ sở đào tạo liên tục cán bộ y tế; tăng cường đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập; đẩy mạnh đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ; mở thêm nhiều mã ngành mới…

 

 

Tác giả: Phạm Duy