Năm 2010 là năm cuối thực hiện chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010. Với nỗ lực phấn đấu không ngừng, ngành y tế đã luôn hoàn thành nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Nhân ngày đầu xuân, báo Sức khỏe&Ðời sống đã có dịp thực hiện cuộc phỏng vấn “nhanh” TS. Nguyễn Quốc Triệu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Xem hình
Kỹ thuật nội soi của y tế Việt Nam được thế giới đánh giá cao

Phóng viên:Thưa Bộ trưởng, nhìn lại năm 2010, xin Bộ trưởng cho biết một số kết quả ngành y tế đã đạt được?    

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Rất vui mừng để nói, năm 2010 là năm thứ hai liên tiếp ngành y tế đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ giao (gồm 19 chỉ tiêu quan trọng, như: mức giảm tỷ lệ sinh; tốc độ tăng dân số; tuổi thọ trung bình; số giường bệnh viện/1 vạn dân; số bác sĩ/1 vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia BHYT; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng...).  Về cơ bản đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch chủ động, không để dịch lớn xảy ra. Tăng cường hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để kiểm soát, ngăn chặn các dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, như dịch cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt xuất huyết... Năm 2010 cũng là năm thiên tai diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung, lũ chồng lũ, thiệt hại lớn về người và cơ sở vật chất, cây trồng, gia súc, nguy cơ dịch bệnh rất cao. Tuy nhiên, ngành y tế đã chủ động triển khai công tác y tế dự phòng, kịp thời cấp cứu, chữa bệnh, không để dịch bệnh phát sinh. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 46/NQ-TW về phát triển hệ thống y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố và phát triển. Có bước chuyển lớn thông qua xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư từ nhiều nguồn vốn (đặc biệt là trái phiếu Chính phủ). Đến nay đã đạt được 20,5 giường bệnh/1 vạn dân (nếu tính cả giường trạm y tế xã và các PKĐKKV, đạt 27,5 giường/vạn dân); 70% số xã  có bác sĩ; 85% số thôn bản có nhân viên y tế. Là năm thứ hai thực hiện Luật BHYT, chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT ngày cuối năm đã đạt 60%. Thẻ BHYT đã đến với hầu hết các đối tượng được ưu đãi (miễn, giảm đóng BHYT). Bệnh nhân BHYT được tiếp nhận trên tất cả các tuyến (từ xã trở lên), được chăm sóc KCB tốt hơn. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế được chú trọng, có bước phát triển khá. Thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Quy tắc ứng xử” trong các đơn vị y tế đã đem lại sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, nâng cao đạo đức và phẩm chất của người thầy thuốc; quyết định sự thành công của ngành y tế. Hợp tác quốc tế đã có những tiến bộ mới, hiệu quả hơn. Quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế được mở rộng. Các dự án đầu tư nước ngoài cho y tế ngày càng nhiều cả về số lượng (số dự án, tổng vốn đầu tư) và chất lượng (hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của ngành). Hợp tác về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ được coi trọng.Phóng viên:Một tin vui mới vào dịp cuối năm: Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, ngành y tế được ghi danh “bảng vàng” có nhiều điển hình tập thể, cá nhân tham dự. Đây là kết quả nỗ lực của ngành trong suốt 5 năm qua, hướng tới mục tiêu “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao đạo đức người thầy thuốc…”. Xin Bộ trưởng chia sẻ niềm vui này! Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vừa qua, trong tổng kết  phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2006 - 2010, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dành cho ngành y tế những nhận xét, đánh giá tốt đẹp. Với đặc thù của ngành y tế, chúng ta đã phát động và tổ chức thi đua hướng vào thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nâng cao đạo đức người thầy thuốc, đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, phong trào “Hiến máu nhân đạo” (có sự phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh). Đặc biệt, có phong trào thi đua thực hiện Đề án 1816 luân phiên cử cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới, đưa dịch vụ y tế về gần dân, góp phần giảm tải các cơ sở chữa bệnh ở tuyến trên; phong trào thi đua học tập gương Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Đây là những phong trào thi đua tiêu biểu, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”. Cũng trong năm qua, từ những phong trào thi đua, ngành y tế đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đây là niềm vui, vinh dự của ngành y tế nói chung, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phóng viên:Thưa Bộ trưởng, Đề án 1816  qua 2 năm thực hiện, đã đem lại hiệu quả to lớn. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội gửi đến Bộ Y tế, mong muốn Đề án được tiếp tục thực hiện, phát huy những thành quả. Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của Đề án và khả năng tiếp tục thực hiện?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Đề án 1816 thực hiện đã qua 2 năm, với một số kết quả ban đầu tuy còn khiêm tốn, song ý nghĩa không nhỏ. Đã có gần 4.000 lượt thầy thuốc của các bệnh viện Trung ương và bệnh viện hạng I của các thành phố lớn về các tỉnh địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trực tiếp thăm khám, điều trị. Nhờ vậy, đã có hàng trăm ngàn người bệnh được trực tiếp thụ hưởng, đỡ phải “gồng gánh” về thành phố, tiết kiệm đáng kể chi phí. Đồng thời, các bệnh viện tuyến trên đã dần giảm tải, kết quả tổng hợp đến nay ước lượng đã giảm được khoảng 30%; do đó, cũng giảm đáng kể số bệnh nhân phải nằm ghép, từ 15.000 người năm 2007 xuống còn trên 6.000 người năm 2010. Có nhiều bệnh viện như Việt Đức, Trung ương Huế, Thanh Nhàn (Hà Nội), Bệnh viện đa khoa các tỉnh: Lâm Đồng, Quảng Ninh, Hậu Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lạng Sơn, Điện Biên..., đến nay đã cơ bản không còn tình trạng nằm ghép. Hiện tình trạng nằm ghép chỉ còn ở một số khoa của bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành, các bệnh viện chuyên khoa tim mạch, ung thư, nhi... Kết thúc giai đoạn thực hiện các Đề án 47 và 930 (Đề án thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 47 và 930 về tăng đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh), cùng với tiếp tục thực hiện tốt Đề án 1816, hy vọng sẽ cơ bản  giải quyết được tình trạng nằm ghép ở các bệnh viện tuyến trên. Nội dung tiếp tục thực hiện Đề án 1816 như thế nào, sẽ phải tính thêm. Tuy nhiên, thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh, vấn đề đưa bác sĩ luân phiên về các tuyến dưới sẽ được quy định rõ thành nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội của tất cả mọi người hành nghề y thuộc các thành phần kinh tế. Như vậy, sự việc sẽ có quy mô lớn hơn, trách nhiệm lớn hơn, tính chất thường xuyên, lâu dài hơn. Theo đó, chế độ đãi ngộ, quyền lợi tinh thần và vật chất của người thực hiện cũng được nâng mức tương xứng.

Phóng viên:Đã sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, trước thềm năm mới Tân Mão, xin Bộ trưởng cho biết những khó khăn, thách thức và nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2011?                                                                                                                                          

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Năm 2010 là năm cuối thực hiện chiến lược Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010; năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010 và 2/3 chặng đường thực hiện phát triển Thiên niên kỷ. Ngành y tế đến hết năm 2010 đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như kể trên. Tuy nhiên, trước mắt cũng còn không ít khó khăn, thách thức. Việc chuyển đổi cơ chế hoạt động từ dựa vào ngân sách nhà nước là chính sang kinh tế thị trường, định hướng XHCN, còn nhiều bất cập. Đầu tư từ ngân sách nhà nước còn thấp so với nhu cầu, chưa đủ để tạo bước bứt phá cho phát triển ngành. Sự thu hút các nguồn vốn xã hội (ngoài ngân sách) chưa được như mong muốn. Về nhân lực y tế, đang có sự thiếu hụt nghiêm trọng, cùng lúc mất cân đối đáng kể theo lĩnh vực chuyên ngành, vùng miền. Cơ chế, chính sách về trách nhiệm xã hội và đãi ngộ người hành nghề y chưa thoả đáng, chưa khuyến khích được lực lượng cần thiết về làm việc tại lĩnh vực y tế dự phòng, những chuyên ngành bệnh khó, tuyến y tế cơ sở, nông thôn, miền núi, vùng cao - sâu - xa.

Trước những khó khăn, thách thức đó, năm mới 2011, trong trách nhiệm thực hiện các văn bản lớn của Đảng và Nhà nước về y tế (các Kết luận của Bộ Chính trị số 42, 43, 44, cùng ngày 01/04/2009; Nghị quyết của Quốc hội số 18 và 23/2008/QH12; các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 47 và 930 về đầu tư nâng cấp các bệnh viện; cùng các văn bản chủ trương, chính sách mới của Đại hội Đảng XI và tiếp sau...), ngành y tế cần tập trung vào các trọng tâm, như:

- Coi trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, pháp quy về y tế. Ưu tiên thể hiện rõ, bảo đảm vận hành tốt cơ chế hoạt động phù hợp với “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt lưu ý đổi mới, cải tiến đầu tư công, bảo đảm hiệu quả cao. Tăng cường trách nhiệm, nâng cao năng lực quản lý công sản.

- Tập trung sức, tạo chuyển biến mạnh về y tế dự phòng. Trước mắt, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội chi y tế dự phòng đạt 30% tổng chi y tế. Nhấn mạnh trách nhiệm y tế công lập chủ yếu làm y tế dự phòng.

- Đẩy nhanh tốc độ thực hiện BHYT ra toàn dân. Đồng thời tạo chuyển biến mạnh nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân có BHYT.

- Với YDCT, đây là năm đầu triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển YDCT 2011-2020. Chú trọng toàn diện: tăng tỷ lệ KCB bằng YHCT; tăng tỷ lệ dùng thuốc YDCT; phát triển nuôi trồng, chế biến dược liệu, tạo sản phẩm đặc hiệu, giá trị cao; đẩy mạnh xuất khẩu YDCT, kể cả thu hút người nước ngoài đến Việt Nam du lịch chữa bệnh, điều trị, quảng bá xuất khẩu y học cổ truyền, đầu tư ra nước ngoài phát triển YDCT (trước hết với Campuchia, Lào, một số nước ASEAN). Nỗ lực đạt thắng lợi ngay từ tháng đầu, quý đầu, năm đầu, tạo thế và lực cho phát triển các năm tiếp sau.  

- Triển khai mạnh xã hội hóa. Tạo nhiều loại hình, phương thức linh hoạt, sát hợp để thu hút rộng rãi các nguồn lực xã hội (ngoài ngân sách nhà nước) cho phát triển y tế.

-  Xác định hội nhập quốc tế là một “cửa mở” để phát triển. Coi trọng cả 4 lĩnh vực: y, dược, đào tạo, xuất khẩu chuyên gia, nhân lực ngành y. Linh hoạt triển khai ở mọi cấp độ có thể. Tạo chuyển biến mạnh thu hút sự tham gia của đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài.

-  Coi trọng “nhân tố con người”. Mạnh dạn tháo gỡ những “nút thắt” đang hạn chế sức sáng tạo, phát triển. Tạo cơ chế chính sách thuận lợi để mỗi cá nhân, đơn vị thật sự được “giải phóng sức sản xuất”, làm việc ở cấp “thượng sách” (công việc ham thích!), làm “hết sức mình”, ...

Với những kết quả đạt được, chúng ta phấn khởi chào đón năm mới Tân Mão 2011,  năm có ý nghĩa quan trọng với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nhân dịp năm mới, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức viên chức ngành y tế không ngừng đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực hết mình nhằm tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cao quý được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cấp ủy và chính quyền địa phương, sự ủng hộ và tham gia của đông đảo nhân dân, sự đoàn kết nỗ lực phấn đấu của cán bộ công nhân viên toàn ngành, tôi tin tưởng ngành y tế chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2011 và những năm tiếp theo.

Thân ái gửi lời chúc tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, các vị lương y, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu và bạn đọc báo Sức khỏe&Đời sống một năm mới An khang - Thịnh vượng - Thành đạt!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe Bộ trưởng!