Cho đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 23.197 người nhiễm HIV, trong đó có 8.768 bệnh nhân AIDS và 3.676 người đã tử vong do AIDS.

Theo ước tính hết năm 2012, Hà Nội sẽ có khoảng 34.339 người nhiễm HIV/AIDS. Điều này đã đặt ra cho thành phố Hà Nội nói chung và ngành y tế Hà Nội nói riêng những thách thức lớn lao trong công tác dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV để hạn chế số người nhiễm HIV mới trong cộng đồng.

Để đạt được kết quả trong công tác phòng chống HIV/AIDS, truyền thông giáo dục vẫn là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, tác động trực tiếp vào nhận thức của quần chúng nhân dân, cung cấp kiến thức cho người dân, để họ có thể tự bảo vệ mình và mọi người xung quanh.

Trong năm qua, ngành y tế Hà Nội đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hà Nội đã tổ chức trên 40 lớp tập huấn, hội nghị và các buổi giao ban định kỳ về phòng chống HIV/AIDS cho gần 2.000 lượt người tham dự, bao gồm các cán bộ chuyên trách phòng chống HIV/AIDS của hệ thống phòng chống HIV/AIDS từ thành phố đến các quận, huyện, xã, phường; tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố với 310 người tham dự; tổ chức 5 lớp tập huấn cho 478 cộng tác viên, người lao động tại các khu công nghiệp; 12 lớp bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng truyền thông cho 1.200 tuyên truyền viên và các cán bộ ban, ngành, đoàn thể ở các xã, phường của các quận, huyện phía Tây Hà Nội và huyện Mê Linh...Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với tổ chức CARE duy trì hoạt động của “Góc thân thiện” ở 4 bệnh viện; tổ chức 6 buổi truyền thông tại các trường tiểu học; 6 lớp tập huấn cho giáo viên tiểu học và mầm non; 4 cuộc thi tìm hiểu kiến thức phòng chống HIV/AIDS tại 4 trường tiểu học.

Các quận, huyện đều duy trì hoạt động của các đồng đẳng viên, cộng tác viên trong đó có 171 tuyên truyền viên cho nhóm người nghiện chích ma túy, 102 tuyên truyền viên cho nhóm người bán dâm, 17 tuyên truyền viên cho người có quan hệ tình dục đồng giới nam và 577 cộng tác viên xã, phường.

Năm qua, toàn thành phố đã thực hiện truyền thông về thay đổi hành vi nguy cơ nhiễm HIV cho 554.866 lượt người bao gồm những người nghiện chích ma túy, người bán dâm, tiếp viên nhà hàng, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, người quan hệ tình dục nam, bệnh nhân lao và những người trong nhóm tuổi từ 15 đến 49; phân phối được trên 2,5 triệu chiếc bơm kim tiêm sạch, can thiệp cho gần 500 lượt người nghiện chích ma túy; cung ứng trên 2,2 triệu bao cao su, can thiệp cho 44.369 gái mại dâm, tiếp viên nhà hàng... Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe của Thành phố đưa tin các hoạt động truyên truyền và phổ biến kiến thức phòng chống HIV/AIDS trên website và tạp chí của ngành y tế Hà Nội. Cung cấp các thông tin về hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho báo chí thông qua giao ban hàng tuần của Ban Tuyên giáo Thành ủy; phối hợp và đưa tin hoạt động, tọa đàm, các phim phóng sự về phòng chống HIV/AIDS trên đài Truyền hình Hà Nội, O2TV, đài truyền thanh các xã, phường. thị trấn trên địa bàn toàn thành phố...

Kết quả, trong năm 2011, trên toàn thành phố xét nghiệm phát hiện có 1.119 trường hợp nhiễm HIV mới, 359 bệnh nhân AIDS và có 85 trường hợp tử vong do AIDS. Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện, tập trung chủ yếu ở các quận như Đống Đa, Hai Bà Trưng, Từ Liêm, Ba Đình, Long Biên... So với cùng kỳ năm 2010, số người nhiễm HIV mới phát hiện đã giảm 27,76%, số bệnh nhân AIDS giảm trên 25% và số ca tử vong giảm 51,43%.

Trong năm 2012, ngành y tế Hà Nội tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông trong cộng đồng. Tiếp tục mở gần 60 lớp tập huấn cơ bản kỹ năng truyền thông cho các cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS của các Sở, ban, ngành thành phố, các cán bộ y tế cơ sở, cán bộ chuyên trách. Mục tiêu hướng tới là 50% các cán bộ y tế xã, phường, thôn bản và 90% cán bộ chuyên trách tại 29/29 quận, huyện được tập huấn về truyền thông thay đổi hành vi phòng chống HIV/AID, 90% các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện truyền thông phòng chống HIV/AIDS theo hướng dẫn của Bộ Thông tin- Truyền thông và Bộ Y tế. Đồng thời, tất cả các quận, huyện, xã phường trên địa bàn phải tổ chức ít nhất một mô hình hoặc hoạt động truyền thông và những hoạt động hưởng ứng các sự kiện phòng chống HIV/AIDS. Các doanh nghiệp, các cơ sở dịch vụ lưu trú, bến bãi đậu xe, các cơ sở kinh doanh du lịch hoặc dịch vụ văn hóa xã hội sẽ tham gia truyền thông về HIV/AIDS trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện triển khai hoạt động truyền thông tại các trại giam và đến tất cả các đối tượng quần chúng nhân dân đặc biệt đối với những đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, gái mại dâm, người bị bệnh lao... nhằm cung cấp đầy đủ kiến thức để mọi người có thể phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho mình và gia đình, phấn đấu giảm thiểu số người nhiễm mới trên địa bàn Thủ đô