Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, dự kiến chương trình điều trị thay thế bằng methadone sẽ tăng thêm 20 cơ sở điều trị trong năm nay, tạo thành mạng lưới 61 điểm điều trị trên toàn quốc hỗ trợ cho 15 nghìn bệnh nhân.

Chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone ở Việt Nam được triển khai thí điểm từ tháng 2 năm 2008. Hiện nay, dự án đã mở rộng tới 11 tỉnh, thành phố với 41 cơ sở điều trị. Hai tỉnh An Giang và Nghệ An sẽ triển khai thời điểm đầu năm nay.

Đây là thông tin được tiến sĩ Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC) công bố tại hội thảo các rối loạn do sử dụng chất gây nghiện và HIV ở Việt Nam diễn ra hôm nay tại Hà Nội do VAAC, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và trường đại học Y Hà Nội tổ chức nhằm cập nhật các kiến thức của thế giới về điều trị các rối loạn do sử dụng chất gây nghiện trong bối cảnh liên quan với các yếu tố xã hội, gia đình, cộng đồng.

Cả nước đã có hơn 7.500 bệnh nhân được điều trị bằng methadone. Trong hơn ba năm điều trị, chương trình chưa có hiện tượng bệnh nhân quá liều nghiêm trọng hoặc tử vong do tác dụng của thuốc.

Thuốc methadone hiện nay vẫn do Bộ Y tế làm đầu mối nhập khẩu với nguồn tài trợ từ chương trình viện trợ khẩn cấp của Hoa Kỳ dành cho 15 quốc gia để phòng chống AIDS (PEPFAR). Tới hết tháng 2 năm nay, Bộ Y tế đã nhập khẩu hơn 70.600 lít methadone phục vụ cho công tác điều trị.

Kế hoạch mở rộng chương trình điều trị thay thế bằng thuốc methadone dự kiến sẽ thực hiện điều trị cho 80 nghìn người vào năm 2015.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình trong thực tế vẫn tồn tại một số khó khăn như độ bao phủ của chương trình còn mỏng, thuốc methadone chủ yếu vẫn phải nhập khẩu nên chưa chủ động nguồn thuốc. Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong muốn các bộ, ngành liên quan hỗ trợ triển khai đề án sản xuất và sử dụng methadone, đồng thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là tạo việc làm cho bệnh nhân tham gia điều trị methadone.

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, số người sử dụng ma tuý trong nước nhiều năm qua không giảm. Cả nước hiện có hơn 158 nghìn người nghiện có hồ sơ. Tiêm chích ma tuý không an toàn vẫn là nguy cơ lây nhiễm HIV chính ở nhiều tỉnh, thành phố. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực của Nhà nước và xã hội đương đầu với đại dịch này, nhưng gánh nặng về kinh tế, sức khoẻ và xã hội đối với gia đình, cộng đồng và xã hội vẫn nặng nề, đi kèm theo là sự kỳ thị đối với những cá nhân chịu ảnh hưởng của ma tuý và HIV. Hiện trường ĐH Y Hà Nội đã thành lập Trung tâm Đào tạo và chuyển gia công nghệ nghiện chất trong phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (VH-ATTC) thuộc mạng lưới ATTC toàn cầu.

 

 


Tác giả: Trung tâm TTGDSK