Theo báo cáo chuyên khảo toàn cầu "Kinh tế học về thuốc lá và Kiểm soát thuốc lá" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ vừa mới xuất bản, chính sách kiểm soát sử dụng thuốc lá, bao gồm tăng thuế và tăng giá thuốc lá có thể tạo ra lợi ích đáng kể đối với công tác y tế và phát triển của các quốc gia.

Các biện pháp này cũng có thể làm giảm đáng kể việc sử dụng thuốc lá và bảo vệ sức khỏe của người dân khỏi những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu trên thế giới, chẳng hạn như ung thư và bệnh tim mạch.

Theo những phát hiện được công bố trong chuyên khảo này thì nếu không được kiểm soát, ngành công nghiệp thuốc lá với các tác động chết người của các sản phẩm thuốc lá sẽ tiếp tục gây ra tổn thất về y tế và mất năng suất lao động lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm cho các nền kinh tế quốc gia trên thế giới. Hiện nay, hằng năm có khoảng trên 6 triệu người chết do sử dụng thuốc lá, hầu hết những người này sống ở các nước đang phát triển. Chuyên khảo gồm khoảng 700 trang đánh giá các bằng chứng hiện có về thuốc lá, trong đó có bàn luận kinh tế học về kiểm soát thuốc lá, tình hình sử dụng thuốc lá và trồng cây thuốc lá, sản xuất và thương mại, thuế và giá cả thuốc lá, chính sách kiểm soát và các biện pháp can thiệp khác nhằm giảm sử dụng thuốc lá và hậu quả của sử dụng thuốc lá; các tác động kinh tế đem lại từ nỗ lực kiểm soát thuốc lá toàn cầu.

Tiền sĩ Oleg Chestnov, Phó Tổng giám đốc của WHO phụ trách về các bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần cho biết: "Báo cáo chuyên khảo cho thấy: Tác động tiêu cực của thuốc lá đối với nền kinh tế ở các nước và đối với công chúng nói chung là rất lớn. Ngành công nghiệp thuốc lá sản xuất và bán ra thị trường các sản phẩm mà việc sử dụng nó làm cho hàng triệu người chết sớm, và cướp đi nguồn tài chính của các hộ gia đình, mà lẽ ra số tiền đó có thể sử dụng để mua thực phẩm và đầu tư cho giáo dục. Ngoài ra, các ca bệnh tật do thuốc lá gây ra gánh nặng chi phí y tế rất nặng nề đối với các gia đình, cộng đồng và cả quốc gia".

          Trên toàn thế giới, có 1,1 tỷ người hút thuốc lá từ 15 tuổi trở lên, khoảng 80% số đó sống ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Khoảng 226 triệu người hút thuốc lá sống trong nghèo đói. Chuyên khảo này trích dẫn một nghiên cứu năm 2016, trong đó cho thấy thu thuế tiêu thụ đặc biệt hàng năm từ thuốc lá trên toàn cầu có thể tăng 47% hoặc 140 tỷ USD, nếu tất cả các nước tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 0,80 USD đối với mỗi bao thuốc lá. Ngoài ra, việc tăng thuế này sẽ tăng giá bán lẻ thuốc lá trung bình 42%, dẫn đến giảm 9% tỷ lệ hút thuốc, tương ứng với việc giảm 66 triệu người lớn hút thuốc trên toàn cầu.

Đồng biên tập viên của chuyên khảo, Giáo sư Frank Chaloupka, Khoa Kinh tế của Đại học Illinois tại Chicago cho biết: "Nghiên cứu được tóm tắt trong chuyên khảo này khẳng định rằng, những biện pháp can thiệp kiểm soát thuốc lá dựa trên bằng chứng rất có ý nghĩa từ góc độ kinh tế cũng như từ quan điểm sức khỏe cộng đồng".

Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng cần hành động mạnh mẽ hơn

Theo Khảo sát thuốc lá toàn cầu dành cho người trưởng thành (GATS), năm 2015, tỷ lệ người hút thuốc lá trong nhóm nam giới trưởng thành tại Việt Nam vẫn rất cao 45,3% và có tới hơn 15,6 triệu người đang hút thuốc. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đạt được tiến bộ ban đầu trong kiểm soát thuốc lá với việc thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2012, trong đó có quy định việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Quỹ này nhận được nguồn tài chính từ các khoản đóng góp bắt buộc của các công ty thuốc lá quy định từ 1% đến 2% giá xuất xưởng hoặc giá nhập khẩu. Các chiến dịch truyền thông và những nỗ lực đa dạng khác nhằm thực hiện quy định của Luật đã mang lại một số kết quả đáng khích lệ. Cuộc khảo sát GATS năm 2015 cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2015, tỷ lệ hút thuốc đã giảm ở nam giới trong khu vực đô thị từ 47,4 xuống còn 42,4% và tiếp xúc với khói thuốc lá đã giảm ở tất cả các môi trường (trong nhà ở: 73,1% còn 59,9%; nơi làm việc trong nhà: 55,9% còn 42,6% và trên các phương tiện giao thông công cộng: từ 34,4% còn 19,4%).

Tuy nhiên, dù đã có giảm nhưng tỷ lệ hút thuốc trong nam giới hiện vẫn còn rất cao, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Đồng thời, các tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam đang ngày càng rõ rệt với số người mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch và ung thư do thuốc lá ngày càng gia tăng nhanh chóng

  Bên cạnh những ảnh hưởng về sức khỏe, hậu quả kinh tế của các bệnh do sử dụng thuốc lá cũng rất nghiêm trọng. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế cho thấy, năm 2011 tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do sử dụng thuốc lá gây ra ở Việt Nam là hơn 1,1 tỷ USD mỗi năm.

"Chúng ta đã có bằng chứng cho thấy có thể cứu nhiêu mạng sống và có thể tiết kiệm các tổn thất kinh tế thông qua việc thực hiện một loạt các biện pháp kiểm soát thuốc lá đã được chứng minh là có hiệu quả, chẳng hạn như đánh thuế cao hơn và áp giá cao hơn đối với các sản phẩm thuốc lá, xây dựng môi trường hoàn toàn không khói thuốc cũng như xử lý việc quảng cáo tiếp thị thuốc lá ở nơi công cộng", tiến sĩ Lokky Wai, Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam nhấn mạnh. Đồng thời cũng khuyến cáo "Việt Nam nên xem xét kỹ lưỡng những kết quả và khuyến nghị trong báo cáo này nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các nỗ lực kiểm soát thuốc lá với sự tham gia của nhiều ngành, sử dụng các cơ chế tài chính hiệu quả và các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng để giảm thiểu các tác hại của thuốc lá đối với người dân cũng như nền kinh tế đất nước''.