Ngày 12/10/2016, tại Hà Nội, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2016 - 2020. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn tham dự và chủ trì Hội thảo.
Xem hình
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, với thành quả tích cực trong công tác phát triển kinh tế, chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội, tuổi thọ người dân và tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam đã tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, theo nhận định của Tổ chức Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Tỷ lệ nhóm người cao tuổi trong cơ cấu dân số nước ta tăng nhanh liên tục từ 7,1% (năm 1989) lên 8,7% (năm 2009) và 10,5% (năm 2013); chỉ số già hoá dân số tăng nhanh, đạt 43,5% (năm 2013) và sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn sắp tới. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó (năm 2017). Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng thế giới, thì thời gian quá độ chuyển sang dân số già của Việt Nam chỉ có 15 năm. Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi.

Dự thảo Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2016 - 2020 hướng đến mục tiêu: đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia người cao tuổi; Chiến lược dân số, sức khỏe sinh sản; Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2020.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập chung thảo luận những vấn đề như: nâng cao năng lực của hệ thống cung ứng dịch vụ y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; thay đổi nhận thức về người cao tuổi, tạo sự đồng thuận, nhất quán trong xã hội đối với công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe nhằm hướng dẫn người cao tuổi và người chăm sóc về các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe, với phương châm “già tích cực/già khỏe mạnh”; xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nhân viên chăm sóc xã hội và chăm sóc y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; khuyến khích các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; nghiên cứu, xây dựng cơ chế tài chính phù hợp cho hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn thông qua cơ chế bảo hiểm.