Tính đến thời điểm này, trên cả nước có khoảng 53 triệu lượt người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ gần 62% dân số. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc vận động được gần 40% đối tượng còn lại tham gia BHYT sẽ khó khăn bội phần.
Xem hình

Hỗ trợ hết mới tham gia

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, sau hơn 1 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), số người tham gia BHYT đã tăng nhanh chóng ở tất cả các khu vực, đối tượng. Số thu BHYT dự kiến sẽ đạt hơn 26,2 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2009, bảo đảm cân đối thu, chi quỹ BHYT và bù đắp phần bội chi của những năm trước.

Tuy vậy, theo nhận định, sự ổn định này mới là tạm thời vì còn chưa mở hết phạm vi quyền lợi theo luật định, chưa thực hiện thanh toán chi phí sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh được quỹ BHYT thanh toán. Một số giá dịch vụ mà BHYT thanh toán còn quá thấp, dựa trên bảng giá ban hành từ năm 1995, chưa được điều chỉnh.

Mặt khác, số người tham gia BHYT tăng đáng kể, song chủ yếu rơi vào các nhóm được hỗ trợ, còn nhóm tham gia tự nguyện, số người lao động tham gia BHYT không tăng bao nhiêu so với trước khi có luật. Ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, số người tham gia BHYT năm 2009-2010 tăng chủ yếu là do đưa nhóm trẻ dưới 6 tuổi sang thực hiện BHYT với sự hỗ trợ toàn phần của ngân sách Nhà nước và các nhóm khác được ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ như người nghèo, đối tượng chính sách xã hội.

Số những người tham gia BHYT tự nguyện rất thấp và chủ yếu rơi vào những trường hợp thường xuyên đau ốm, hoặc có nguy cơ bệnh tật. Vấn đề đáng quan tâm nữa là hiện mới chỉ có 50% đối tượng thuộc khu vực doanh nghiệp tham gia BHYT, thậm chí ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ đạt 30%.

Theo ông Dũng, các doanh nghiệp có nhiều cách để không đóng BHYT cho người lao động như khai báo số lao động thấp hơn thực tế, ghi số tiền lương thấp hơn thu nhập thực tế hoặc chỉ ghi mức lương tối thiểu trong hợp đồng lao động, đấy là chưa kể tình trạng nợ kéo dài hay chiếm dụng số tiền mà người lao động đã đóng BHXH, BHYT.

Trong khi đó, đây chính là nhóm người khỏe mạnh nhất, mức đóng BHYT cao, tần suất sử dụng dịch vụ thấp và về lý thuyết có thể chia sẻ, bù đắp cho các nhóm khác theo đúng bản chất nhân văn của việc tham gia BHYT. Thậm chí, ngay cả những nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cũng không tham gia đầy đủ.

Quyền lợi chưa được đáp ứng

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, theo lộ trình đến năm 2014, tất cả các nhóm dân số sẽ phải bắt buộc tham gia BHYT (BHYT toàn dân), nhưng với tiến trình triển khai như hiện nay thì mục tiêu này là rất khó hoàn thành. Gần 40% dân số còn lại hiện chưa tham gia BHYT chính là những đối tượng khó vận động nhất.

Ông Thảo lấy ví dụ, với nhóm người cận nghèo, nhiều tỉnh/thành phố đã quyết định hỗ trợ phí tham gia BHYT cao hơn so với quy định của luật, thậm chí các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ tới 80% mức đóng, các tỉnh Bắc bộ hỗ trợ tới 90% mức đóng nếu tất cả các thành viên của hộ gia đình đều tham gia… nhưng người ta vẫn thờ ơ.

Lý do quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này, theo ông Thảo, chính là do khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ cho người bệnh BHYT còn hạn chế, quyền lợi của người tham gia BHYT chưa cao. Chẳng hạn, trên cả nước hiện nay có đến 3.500 cơ sở y tế tư nhân nhưng BHYT chỉ liên kết được gần 300 cơ sở.

Không những tỷ lệ cơ sở y tế tư nhân có thanh toán BHYT rất nhỏ như vậy mà dịch vụ bệnh nhân BHYT được sử dụng ở các cơ sở này cũng không nhiều. Với các cơ sở y tế công lập, sau hơn 1 năm triển khai Luật BHYT nhưng đến nay, rất nhiều bệnh nhân BHYT vẫn gặp khó khăn trong thụ hưởng quyền lợi, nhất là những bệnh nhân phải cùng chi trả (5-20%), đặc biệt những đối tượng bị suy thận mạn tính, những đối tượng bị tai nạn giao thông…

Vụ BHYT - Bộ Y tế chỉ ra một nguyên nhân khác về năng lực tổ chức thực hiện của hệ thống BHXH. Theo đó, hệ thống BHXH hiện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự gia tăng đối tượng tham gia BHYT do hạn chế về số lượng cán bộ và năng lực. Điều này ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động, từ việc khai thác đối tượng, thu phí, cấp thẻ, theo dõi, giám sát chất lượng khám chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh đến công tác thống kê, báo cáo…

Để cải thiện tình trạng này, bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, trong thời gian tới Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BHYT, tiếp tục nghiên cứu mở rộng áp dụng cơ chế thanh toán theo định suất và ca bệnh đồng thời điều chỉnh các nhóm đối tượng tham gia BHYT