Thời gian phẫu thuật chỉ từ 7-15 phút, không cần khâu sau mổ nên bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể nhìn được ánh sáng ngay trong ngày đầu… là ưu điểm của kỹ thuật mổ Pha cô điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh đục thủy tinh thể, được Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương thực hiện được hơn 1 năm nay, góp phần giảm thời gian và chi phí cho người bệnh.
Xem hình

Bác sỹ Nguyễn Trung Kiên, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, thể thủy tinh là một bộ phận trong suốt của mắt giúp hội tụ ánh sáng lên võng mạc. Thể thủy tinh nếu không còn trong suốt, trở nên mờ đục sẽ ngăn cản không cho ánh sáng đi qua, dẫn đến mờ mắt, bệnh lý này được gọi là đục thủy tinh thể, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mù lòa.
Bệnh này có thể chữa được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trong đó sử dụng phương pháp phẫu thuật Pha cô là dùng năng lượng sóng siêu âm để tán nhuyễn và tách thủy tinh thể đục thành những mảnh nhỏ rồi hút ra ngoài qua một vết mổ nhỏ không cần khâu, sau đó thay thế bằng một ống kính nội nhãn (IOL), nhờ đó giúp khôi phục thị lực.

Đây là phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiệu quả và tối ưu nhất hiện nay, với độ an toàn cao, cùng nhiều ưu điểm vượt trội so với các kỹ thuật mổ trước, chỉ mất khoảng thời gian từ 7-15 phút cho mỗi ca phẫu thuật. Đồng thời, thông thường sau mổ 1 ngày, bệnh nhân có thể bỏ băng mắt và nhìn được bình thường mà không có cảm giác khó chịu.

Bác sỹ Vũ Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ bệnh nhân, nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác điều trị bệnh đục thủy tinh thể, đầu tháng 9/2018, Khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa tỉnh được Bệnh viện Mắt Trung ương hỗ trợ nhân lực và chuyển giao kỹ thuật mổ mắt Pha cô. Từ đó đến nay, các y, bác sĩ trong khoa đã tích cực tiếp nhận và phối hợp thực hiện, mổ thành công cho nhiều bệnh nhân suy giảm thị lực trong và ngoài tỉnh.

Cũng theo bác sĩ Hà, đục thủy tinh thể thường xuất hiện ở người cao tuổi, người bị đái tháo đường, người có tiền sử chấn thương mắt... Các triệu chứng của đục thủy tinh thể bao gồm: Nhìn mờ, mắt người bệnh thường mờ tăng dần kéo dài từ vài tháng tới hàng năm; chất lượng thị giác giảm cả trong điều kiện ánh sáng yếu cũng như điều kiện có nhiều ánh sáng; thị lực thường không ổn định khi thay đổi điều kiện ánh sáng, thay đổi số kính rất nhanh, thường tăng độ cận thị…

Trước đây, bệnh nhân khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được chẩn đoán bị đục thủy tinh thể, muốn phẫu thuật đều có chỉ định chuyển tuyến. Tuy nhiên hiện nay, với hệ thống trang thiết bị hiện đại, như máy Phaco với phương pháp mổ thủy tinh thể bằng sóng siêu âm, máy đo khúc xạ tự động, đo khúc xạ giác mạc tự động, siêu âm A, B, đo nhãn áp tự động, máy sinh hiển vi phẫu thuật…

Đồng thời, phẫu thuật viên là các chuyên gia hàng đầu về nhãn khoa, quy trình phẫu thuật được diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao với chi phí phẫu thuật hợp lý, thủ tục đăng ký nhanh chóng, người bệnh được hưởng các chế độ theo đúng quy định.

Mổ Phaco trong điều trị đục thủy tinh thể là phương pháp điều trị tiên tiến, có ưu điểm là phẫu thuật nhanh, không đau, mắt mổ mau lành, vết mổ nhỏ, an toàn cao, ít biến chứng, thị lực sau mổ phục hồi nhanh. Đến nay, các đợt mổ đục thủy tinh thẻ bằng phương pháp Pha cô tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được tổ chức thường quy.

Theo đó, trung bình cứ 1-2 tuần, Bệnh viện sẽ phối hợp cùng với các bác sỹ chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức mổ đồng loạt cho khoảng 20-30 người bệnh, trong đó đa số là những người già từ 60 tuổi trở lên, thời gian phẫu thuật mỗi ca chỉ từ 7-15 phút. Sau khi mổ mắt, bệnh nhân tái khám trong ngày và được dặn dò cẩn thận, chu đáo để đảm bảo mắt có thể hồi phục một cách tốt nhất.

Cùng với đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, tích cực áp dụng và tiếp nhận các tiến bộ khoa học, chuyển giao kỹ thuật mới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai thành công kỹ thuật mổ Pha cô trong điều trị đục thủy tinh thể, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nói chung, các bệnh về mắt nói riêng, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân và thực hiện chương trình phòng, chống mù lòa trong tỉnh.

Tác giả: Lê Lành