Tổn thất do thuốc lá gây ra vượt xa phạm vi sức khỏe cộng đồng. Thuốc lá là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững liên quan tới nhiều lĩnh vực như: an ninh lương thực, bình đẳng giới, giáo dục,...
Xem hình

Năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá là “Sử dụng thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia" nhằm cảnh báo về những tổn thất liên quan tới sức khỏe và kinh tế, những tác động tiêu cực tới mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, cũng như của từng quốc gia do việc sử dụng thuốc lá gây ra.

Tại Việt Nam, thời gian qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh từ 13 – 15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, nơi công cộng trên phương tiện giao thông công cộng giảm được từ 12 – 15%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong số những quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhiều nhất thế giới. Kết quả điều tra do Tổng Cục thống kê phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam vẫn ở mức trên 40%. Bên cạnh đó, việc mọi người có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng, quán cà phê, nhà hàng và địa điểm vui chơi đang gây ra những khó khăn, cản trở nỗ lực trong việc cai nghiện, giảm tỷ lệ hút thuốc tại nước ta. Đặc biệt việc giám sát và xử phạt chưa nghiêm đang gây ra những khó khăn cho việc cai nghiện và giảm tỷ lệ người hút thuốc lá.

 

Theo đại diên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, tổn thất do thuốc lá gây ra vượt xa phạm vi sức khỏe cộng đồng. Thuốc lá là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực như: ninh lương thực, bình đẳng giới, giáo dục, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Đáng chú ý là ở Việt Nam thuế thuốc lá hiện chỉ chiếm khoảng 40% giá bán lẻ, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 58% và thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo của WHO là 75% giá bán lẻ. Trong khi đó, nếu tăng thuế thuốc lá sẽ giảm được tỉ lệ hút thuốc. Vì vậy, WHO kêu gọi Chính phủ và tất cả các đối tác cùng nỗ lực vượt qua thách thức để làm giảm sử dụng thuốc lá bằng cách tăng thuế thuốc lá, sẽ giúp giảm nhu cầu đối với sản phẩm nguy hiểm này và giúp đảm bảo cho một tương lai lành mạnh và bền vững hơn. WHO cũng kêu gọi các quốc gia ưu tiên thúc đẩy các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá, lồng ghép các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trong các chương trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đồng thời khuyến khích sự tham gia rộng rãi của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá.

Tác giả: TT TTGDSK