Sau khi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực, Sở Y tế đã phối hợp với BHXH tỉnh mở 2 hội nghị triển khai Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn dưới Luật tới tất cả các đơn vị khám, chữa bệnh (KCB) và cơ quan BHXH tuyến tỉnh và tuyến huyện, các cơ sở hành nghề y tế tư nhân vào tháng 10-2009.
Xem hình
Khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh

Sau đó, các đơn vị tiếp tục triển khai tới các đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan. Đồng thời, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ tỉnh đã phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Ninh Bình… nhiều tin, bài tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT tới các tầng lớp nhân dân. Sở Y tế và BHXH tỉnh ban hành nhiều công văn liên ngành hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện việc ký hợp đồng, thanh quyết toán và tổ chức KCB cho người bệnh có thẻ BHYT kịp thời, hiệu quả. Định kỳ 6 tháng, Sở Y tế và BHXH tỉnh họp giao ban đánh giá công tác phối hợp hoạt động trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; thường xuyên liên lạc, bàn bạc để kiến nghị và giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đều ưu tiên dành riêng một số phòng làm việc tại các vị trí thuận lợi để bố trí cho cán bộ BHXH thực hiện công tác giám định chi. Các cán bộ BHXH thường xuyên đi sâu, đi sát và tạo được mối quan hệ tốt với các cơ sở điều trị, hai bên đã kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT và không ngừng nâng cao chất lượng KCB. Các đồng chí lãnh đạo Sở Y tế và BHXH tỉnh thường xuyên phối hợp chỉ đạo việc cải cách hành chính trong tiếp đón, thanh quyết toán chi phí KCB cho người bệnh BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, giảm các thủ tục phiền hà khi đi KCB BHYT... Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh đã đem lại hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Số người tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm: Năm 2010, có trên 499 nghìn người tham gia, chiếm 54%; đến tháng 3-2011, có trên 537 nghìn người tham gia BHYT, chiếm 58,1% dân số.

Để tạo thuận lợi cho người dân, ngành Y tế đã xây dựng quy trình đón tiếp người bệnh, sắp xếp, bố trí các khoa, phòng; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho KCB bằng BHYT một cách hợp lý, công khai. Các đơn vị KCB trong ngành Y tế đã xây dựng quy trình tiếp đón người bệnh và niêm yết công khai. Đồng thời bố trí bộ phận thường trực đón tiếp, thông tin hướng dẫn cho người bệnh các thủ tục khi đến KCB. Bố trí các bàn khám BHYT ở vị trí thuận lợi với số bàn khám phù hợp với số lượng người bệnh BHYT để đảm bảo chất lượng khám bệnh, tư vấn và khám hết số lượng người bệnh trong ngày. Một số đơn vị đã áp dụng công nghệ Tin học, nối mạng máy tính từ phòng đón tiếp đến các máy tính của phòng khám, các khoa lâm sàng và cận lâm sàng, nơi cấp phát thuốc ngoại trú. Đi đầu trong lĩnh vực này là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin trong quy trình từ tiếp nhận người bệnh, khám bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án, tiến tới sẽ áp dụng bệnh án điện tử. Người bệnh có BHYT vào điều trị nội trú được sắp xếp bố trí tại các khoa phòng hợp lý, buồng bệnh sạch sẽ. Ngành Y tế cũng quan tâm đầu tư mua sắm các trang thiết bị mới, các loại máy móc hiện đại từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia, nguồn kinh phí chống xuống cấp của Bộ Y tế và từ nguồn kinh phí của UBND tỉnh… cho các cơ sở KCB, nhằm nâng cao chất lượng KCB cho người bệnh BHYT. Hiện nay, tổng số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT là 142 cơ sở, trong đó công lập 138 cơ sở, ngoài công lập 4 cơ sở (là các phòng khám đa khoa tư nhân). Sự phân luồng KCB BHYT được thực hiện theo hướng đưa việc KCB BHYT ban đầu về gần dân nhất, tạo điều kiện cho người có thẻ BHYT được chăm sóc sức khoẻ ban đầu ngay từ Trạm y tế xã, phường, Phòng khám Đa khoa khu vực và Trung tâm Y tế tuyến huyện, giảm tải việc KCB BHYT ban đầu tại các Bệnh viện tuyến tỉnh để tuyến tỉnh có điều kiện phát triển chuyên khoa sâu và công nghệ cao theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế và quy định của Luật BHYT.Năm 2010, tổng số lượt KCB BHYT là 1.334.000/1.678.988 lượt, chiếm 79,4%; tổng số chi cho KCB BHYT là 202 tỷ 036 triệu đồng/265 tỷ 725 triệu đồng, chiếm 76%.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được có thể thấy vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục trong công tác BHYT như: Tổng số người tham gia BHYT toàn tỉnh chiếm tỷ lệ chưa cao (chiếm 60,8%, trong khi định hướng tỷ lệ bao phủ chung toàn quốc năm 2011 là 63%). Việc phối hợp giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh trong công tác thẩm định, lập danh sách các cơ sở y tế có đủ điều kiện đăng ký KCB BHYT ban đầu và phân bổ số thẻ đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các cơ sở y tế đã được thực hiện nhưng chưa đạt được tiến độ triển khai Luật BHYT. Việc cấp phát thẻ BHYT và xác định số lượng thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB có lúc, có nơi còn chưa kịp thời. Tại một số cơ sở KCB, người bệnh BHYT đến khám bệnh còn phải chờ đợi lâu, cá biệt còn hiện tượng lạm dụng thuốc, lạm dụng các kỹ thuật cận lâm sàng tại các cơ sở điều trị. Việc giải quyết chế độ, chính sách KCB BHYT cho các đối tượng bị tai nạn giao thông còn nhiều bất cập. Nhân sự của ngành Y tế phụ trách lĩnh vực BHYT còn thiếu và phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả công việc chưa cao… Những tồn tại, khó khăn đó đòi hỏi có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, BHXH và các cấp, các ngành liên quan để Luật BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, nâng cao chất lượng KCB cho người dân.