Năm 2016 là năm đặt dấu mốc quan trọng trong công tác dân số - KHHGĐ, giai đoạn chuyển trọng tâm chính sách dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số, nhằm đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (26-12-1961 _ 26-12-2016), phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc phỏng vấn đồng chí Lý Thị Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân
Xem hình

P.V: Xin đồng chí cho biết những thành tựu của công tác Dân số tỉnh Ninh Bình trong những năm qua?

          Đ/c Lý Thị Hương: Trong những năm qua, các chương trình nâng cao chất lượng dân số là nội dung trọng tâm đang được tích cực triển khai thực hiện. Kết quả của công tác Dân số -KHHGĐ đã góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Về quy mô dân số, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế. Tỷ suất sinh thô giảm từ 26,52%o năm 1992 xuống còn 15,05%o năm 2016, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ trên 3,5 con năm 1992 giảm xuống 1,93 con năm 2010, năm 2015 là 2,18 con (đạt mức sinh thay thế năm 2002 về trước kế hoạch đề ra 3 năm), là một trong những tỉnh nhiều năm liền duy trì mức sinh thay thế. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 34% năm 1992 xuống còn 18% năm 2016.

          Tỉnh ta đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, số người trong độ tuổi lao động cao là nguồn nhân lực dồi dào cho các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, Ninh Bình cũng nằm trong xu hướng chung của cả nước đó là tỷ lệ người cao tuổi có xu hướng tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi giảm dần và đang dần bước vào giai đoạn già hóa dân số, đặc biệt là tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao, năm 2016 ước 115 bé trai/100 bé gái.

          Bên cạnh mục tiêu giảm sinh và duy trì ổn định mức sinh, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số là nội dung trọng tâm của công tác dân số trong giai đoạn hiện nay. Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: Mô hình tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Đề án Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển, các đề án triển khai đều được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Qua các năm tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh ngày càng tăng, năm 2016 đạt trên 60%; tỷ lệ trẻ được sàng lọc sơ sinh năm 2013 đạt 23,7%, năm 2014 đạt 32,4%, là tỉnh có tỷ lệ sàng lọc sơ sinh cao so với toàn quốc; tỷ suất chết trẻ dưới 5 tuổi năm 2015 là 3,6%o; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng/ tuổi giảm còn 14% năm 2015.

          P.V: Đồng chí cho biết, hiện nay công tác DS-KHHGĐ Ninh Bình có những khó khăn, thách thức gì?

          Đ/c Lý Thị Hương: Hiện nay công tác DS-KHHGĐ tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: Số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ trong thời gian tới hàng năm vẫn tiếp tục tăng trong khi các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ chuyển đổi cơ chế từ miễn phí sang thu phí đối với các đối tượng không thuộc diện miễn phí theo quy định. Tỷ lệ con thứ 3 trở lên còn cao, còn một số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, song việc xử lý vi phạm ở một số địa phương, đơn vị thực hiện chưa kịp thời, đã ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân.

          Tỉnh ta nằm ở nhóm các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao trong toàn quốc. Chương trình Dân số đang chuyển trọng tâm từ Dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề về dân số trong khi nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu cho việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại các xã, phường, thị trấn chưa được tuyển dụng phần nào đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu và triển khai các hoạt động tại cơ sở. Công tác tuyên truyền tư vấn và đáp ứng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trong các khu công nghiệp nơi có tỷ lệ lao động trong độ tuổi sinh đẻ, lao động nữ cao còn gặp nhiều khó khăn do tính chất công việc chị em không có điều kiện để tiếp cận với thông tin kiến thức và dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

          Trước những khó khăn, thách thức đặt ra, hằng năm, Chi cục Dân số-KHHGĐ tổ chức các hội nghị cung cấp những nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng dân số, nguyên nhân, hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh cho đối tượng là cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền và các nhóm đối tượng ở cơ sở. Phối hợp với Ngành Giáo dục chỉ đạo tổ chức các lớp ngoại khóa cung cấp kiến thức SKSS/ SKTD trong các trường THPT, THCS. Triển khai mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng nhằm cải thiện sức khoẻ thể chất và tinh thần cho người cao tuổi. Phối hợp với Liên đoàn lao động, Công đoàn cơ sở các khu công nghiệp, xí nghiệp tổ chức cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số cho công nhân; triển khai tốt mô hình tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai và xã hội hóa phương tiện tránh thai tới các nhóm đối tượng trong cộng đồng...

          P.V: Chủ đề của Tháng dân số năm 2016 là “55 năm truyền thống công tác Dân số - KHHGĐ, vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”, xin đồng chí cho biết những hoạt động cần triển khai trên địa bàn tỉnh?

          Đ/c Lý Thị Hương: Với chủ đề Tháng hành động quốc gia về dân số năm nay là “55 năm truyền thống công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”, Ban chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ tỉnh và Sở Y tế đã chỉ đạo các cấp và phối hợp với các ngành tập trung tuyên truyền trên các kênh truyền thông đại chúng và kênh truyền thông trực tiếp. Nội dung tập trung vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong công tác DS-KHHGĐ, thành tựu công tác Dân số-KHHGĐ đạt được trong những năm qua. Đồng thời tập trung tuyên truyền những vấn đề đang đặt ra với công tác DS-KHHGĐ như chất lượng dân số, cơ cấu dân số, đặc biệt là mất cân bằng giới tính khi sinh, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của từng gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sức khỏe, hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của xã hội.

          Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương các nội dung tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về Dân số, Ngày Dân số Việt Nam năm 2016 và 55 ngày truyền thống công tác Dân số - KHHGĐ. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trực quan thông qua pano, băng zôn, khẩu hiệu, biển tường các nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề già hóa dân số, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân... trên các trục đường chính, cụm dân cư trong toàn tỉnh. Tổ chức diễn đàn, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về DS/KHHGĐ/SKSS, ôn lại truyền thống 55 năm công tác Dân số-KHHGĐ, biểu dương, tôn vinh cán bộ, cộng tác viên dân số tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ.

          PV: Xin cảm ơn đồng chí!