Từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho 1.916 dịch vụ y tế với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế. Với kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng từ 2-3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Mức tăng này rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày.
Xem hình
Áp dụng kỹ thuật hiện đại trong một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

Trong đó tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Như vậy, khi tăng giá dịch vụ y tế, người dân nên tham gia BHYT để được hưởng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giảm gánh nặng cho các gia đình có mức thu nhập thấp khi không may đau ốm hoặc mắc các bệnh có chi phí điều trị tốn kém.

          Không may bị tai nạn lao động, sau khi thực hiện mổ đốt sống cổ ở Bệnh viện Việt Đức và điều trị tại Bệnh viện E Hà Nội mất hơn 110 triệu đồng do không có thẻ BHYT, hiện anh Nguyễn Văn Huy, 32 tuổi ở thôn Vĩnh Khương, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) phải tiếp tục điều trị hậu phẫu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Số tiền phải chi trả thật sự là gánh nặng đối với gia đình không có nguồn thu nhập ổn định như gia đình anh. Chị Nguyễn Thị Vân, vợ bệnh nhân chia sẻ: Gia đình đều làm nghề tự do nên chưa thực sự quan tâm tới việc mua thẻ BHYT. Từ khi chồng tôi không may bị ốm nặng như này, điều trị hàng tháng trời tại các bệnh viện mới thấy ý nghĩa to lớn mà BHYT mang lại. Tôi được biết tin giá viện phí sẽ tăng trong thời gian tới, nên rất lo lắng vì bệnh của chồng phải điều trị dài ngày chắc chắn gia đình sẽ không thể tự chi trả viện phí nếu chi phí các dịch vụ KCB quá cao…

          Với 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá, mặc dù mức điều chỉnh tăng chủ yếu ở khoảng số 20- 30%, một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định. Điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân thuộc diện bệnh nhân viện phí sẽ phải chi trả 100% chi phí KCB. Như vậy khoản tiền người KCB không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ.

          Tính đến hết tháng 3/2017, tỉnh Ninh Bình hiện có 84% dân số tham gia BHYT, số chưa tham gia phần lớn là người có mức sống trung bình trở lên, thuộc nhóm tham gia BHYT tự nguyện. Nếu không may bị ốm đau những người chưa tham gia BHYT phải chi trả toàn bộ số tiền trong một lần điều trị.

          Như vậy, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ có tác động rất lớn đối với các bệnh nhân không tham gia BHYT. Trước thực tế đó, ngành BHXH, Y tế và các cấp, các ngành liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân tham gia mua thẻ BHYT để được chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiến tới lộ trình BHYT toàn dân.