Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối kết hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, công tác dân số-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được kết quả quan trọng.
Xem hình

8 năm liên tục duy trì mức sinh thay thế ở mức trung bình 1,92 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, là một trong những tỉnh đạt mức sinh thay thế sớm so với kế hoạch đề ra; tỷ lệ phát triển dân số giảm ở mức dưới 1%, tỷ suất sinh thô dưới 14%0, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng, chất lượng dân số ngày càng cải thiện, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân số-KHHGĐ của tỉnh còn một số hạn chế như: Kết quả thực hiện công tác này không đồng đều, mức sinh giảm nhưng chưa vững chắc, có nơi, có chỗ chững lại, có phần giảm sút. Mỗi năm, trung bình toàn tỉnh có 12-13 nghìn trẻ em chào đời nên nguy cơ gia tăng tốc độ phát triển dân số khá cao. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm chậm, có nơi vẫn còn cao, chiếm tới 19%, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…

Năm qua, tỷ số giới tính khi sinh tỉnh Ninh Bình đã vượt mức bình thường, ở mức 115 bé trai/100 bé gái (tỷ lệ giới tính cân bằng trong tự nhiên là 103-105 trẻ trai/100 trẻ gái).

Theo đồng chí Lưu Danh Cung, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh thì nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do ở một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền còn có tư tưởng chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, dẫn tới tình trạng buông lỏng trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện chương trình Dân số-KHHGĐ; có địa phương chưa quan tâm đầu tư và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, sự ủng hộ của nhân dân. Việc xử lý vi phạm chính sách dân số-KHHGĐ ở một số đơn vị, địa phương chưa nghiêm, chưa kịp thời. Hệ thống tổ chức làm công tác dân số-KHHGĐ có sự thay đổi, việc chỉ đạo điều hành có thời gian bị gián đoạn. Chế độ cho cán bộ dân số-KHHGĐ thấp nên chưa động viên, khuyến khích được cán bộ tận tâm với công việc…

Để khắc phục tình trạng trên và tiếp tục thực hiện các mục tiêu, giải pháp công tác dân số-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, ngành Dân số đã đề ra mục tiêu: Tập trung thực hiện quy mô gia đình có 1 hoặc 2 con, tiến tới ổn định quy mô dân số và phân bổ dân cư một cách hợp lý. Phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, duy trì mức sinh thay thế một cách vững chắc trong toàn tỉnh. Nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể: phấn đấu mức giảm sinh bình quân hàng năm là 0,15%0; giảm sinh con thứ 3 trở lên mỗi năm 1%, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên toàn tỉnh dưới 10%. Tăng tỷ lệ chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm từ 1% đến 1,5% để đến năm 2015 có 80% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

Giải pháp chủ yếu là: Tiếp tục quán triệt sâu rộng Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ, sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai các mục tiêu dân số-KHHGĐ; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác Dân số từ tỉnh đến cơ sở, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác này. Thực hiện xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm chính sách dân số-KHHGĐ theo quy định của Điều lệ Đảng và quy định pháp luật hiện hành; mở rộng các hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, giáo dục về dân số, sức khỏe sinh sản-KHHGĐ, giới tính trong và ngoài nhà trường. Đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ và tư vấn sức khỏe sinh sản-KHHGĐ. Lồng ghép các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ với các dịch vụ về nâng cao chất lượng dân số.