Đợt nắng nóng đỉnh điểm nhất từ vài chục năm trở lại đây kéo dài từ 1/6 đến nay đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ em. Tại Ninh Bình, thời điểm buổi trưa, nhiệt độ ngoài trời lên tới 42-43 độ C, thời tiết buổi sáng và ban đêm cũng vẫn giữ 35-37 độ C khiến cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn, nhiều người già và trẻ em đã phải nhập viện điều trị bệnh huyết áp, tim mạch và cảm sốt, tiêu chảy do nắng nóng đỉnh điểm…
Xem hình
Chăm sóc người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Gương mặt phờ phạc, hai má đỏ gay vì nóng, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, chị Đinh Thị Nguyệt, phố Phú Sơn, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) không giấu được vẻ mệt mỏi sau 3 ngày đêm chăm sóc cô con gái 4 tuổi tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh do bị tiêu chảy cấp. Không chỉ riêng chị Nguyệt, nhiều bà mẹ có con nhỏ phải nhập viện vì viêm họng, cảm tả, sốt cao… đang phải cùng hứng chịu cái nắng nóng khắc nghiệt khiến nhiều trẻ em đang ốm lịm đi vì mệt. Nhiều bà mẹ lo lắng, cứ tình trạng nắng nóng như thế này, có khi khỏi được bệnh này lại mắc thêm bệnh khác.

          Bác sĩ Phạm Văn Yên, Trưởng khoa nhi 2, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh cho biết: Mấy ngày nắng nóng kỷ lục, Bệnh viện tiếp nhận thêm nhiều trẻ em do mắc một số bệnh thời tiết như sốt cao, viêm họng, nổi mẩn ngứa và các bệnh về tiêu hóa. Mặc dù công suất giường bệnh vẫn đủ phục vụ nhưng nhiệt độ ngoài trời quá cao vẫn gây khó chịu, bí bách cho bệnh nhân và người nhà. Hầu hết trẻ em nhập viện những ngày này do bị tiêu chảy và nổi mẩn ngứa da, nguyên nhân là do nắng nóng, nhiều loại virus, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây bệnh có dịp gia tăng và lây lan rộng.

          Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày này cũng có lượng bệnh nhân tăng hơn do nhiều người già bị mắc hoặc tái mắc các bệnh về huyết áp, tai biến. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đây là những ngày nắng nóng gay gắt đầu mùa nên người cao tuổi chưa quen thích nghi. Nắng nóng đột ngột đã làm nhiều người già đang mắc một số bệnh như huyết áp, đột quỵ… bị mất nước, rối loạn điện giải, say nắng dẫn đến mắc thêm một số bệnh như viêm phổi, bệnh về đường hô hấp. Điều đáng lo ngại hơn, thời tiết nắng nóng như hiện nay dễ khiến người cao tuổi bị huyết áp tăng cao, gây tai biến mạch máu não, do đó cần được thăm khám, kiểm tra theo dõi thường xuyên.

          Mấy ngày nắng nóng, Khoa Khám bệnh-Bệnh viên Đa khoa huyện Yên Mô luôn có đông bệnh nhân đến khám, trong đó chủ yếu là người già và trẻ em. Trung bình 1 ngày có từ 400-500 người đến khám, trong đó có khoảng 50 người phải nhập viện điều trị nội trú tại bệnh viện. Qua thăm khám, đối với người cao tuổi chủ yếu là mắc các bệnh như phổi tắc nghẽn mãn tính, huyết áp, đột quỵ não…; đối với trẻ em chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp với những triệu chứng khi trẻ vào nhập viện thường bị sốt cao, viêm họng và ho kéo dài. Ngoài ra còn nhiều trẻ em bị mắc các bệnh dị ứng, rối loạn đường tiêu hóa, tiêu chảy. Nguyên nhân được các bác sĩ cho biết là do thời tiết thay đổi đột ngột, sức đề kháng ở trẻ em và người già còn kém, kèm theo nhiệt độ quá cao, môi trường sống không hợp vệ sinh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

          Theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, những ngày gần đây nhiệt độ tăng cao bất ngờ khiến cơ thể trẻ em và người già không thích nghi kịp, sức đề kháng kém nên khả năng nhiễm bệnh cao. Cùng với đó, thời tiết đầu mùa hè cũng là môi trường thuận lợi cho nhiều loại virus sinh sôi, phát triển nhanh. Cùng với đó, nhiều bậc phụ huynh chưa biết chăm sóc trẻ một cách khoa học nên cũng dễ dẫn đến việc vô tình khiến trẻ… mắc bệnh. Đơn cử như việc cho trẻ em tắm lâu, ăn, uống nhiều đồ lạnh, uống các loại nước có ga… dẫn đến dễ mắc bệnh.

          Dự báo thời gian tới, thời tiết sẽ tiếp tục diễn ra những đợt nắng nóng kéo dài khác và mùa hè là thời gian dễ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, rubella, tiêu chảy…, do đó các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Trong đó cần chú ý đến việc bảo quản thức ăn cho trẻ, cho các em ăn đồ ăn tươi, bổ sung đủ nước và các loại rau củ, hoa quả mát để trẻ tăng cường sức đề kháng; đồng thời, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, hạn chế di chuyển quãng đường dài. Mặt khác, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh thông thoáng nơi ở, tiêu diệt các loài vật trung gian gây bệnh như ruồi, muỗi…

          Trước tình hình nắng nóng gay gắt dự báo vẫn còn tiếp diễn, các bác sĩ khuyến cáo, vào những ngày nắng nóng trên 40 độ C không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 15 giờ chiều. Không cho trẻ em hay người có tuổi, đặc biệt người mắc các bệnh mạn tính (tim mạch, huyết áp, bệnh phổi…) ra nắng lúc nhiệt độ ngoài trời tăng cao, đặc biệt là thời gian cao điểm (gần trưa, giữa trưa và đầu buổi chiều). Nếu cần đi ra ngoài trời lúc nắng, nóng cần mặc quần áo mỏng (vải cotton là tốt nhất), tránh mặc quần áo màu đen (hút nhiệt mạnh), cần đội mũ rộng vành hoặc phải dùng nón, ô che nắng. Nếu bắt buộc phải đi lại hay làm việc ngoài trời nắng không nên làm việc quá 2 giờ liên tục dưới nhiệt độ cao, cần nghỉ ngơi (tìm bóng râm, mát để nghỉ) và nên có khăn ướt che phủ phía sau gáy (nơi tập trung nhiều đầu mối dây thần kinh để vừa có tác dụng chống nắng chiếu vào gáy, giải nóng, tránh sốc nhiệt). Cần mang theo đủ nước uống (nếu có nước pha thêm một ít muối càng tốt hoặc có thêm nước trái cây) trước khi ra ngoài để uống, tránh để cơ thể mất nước.