Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đã khó, đối với những bệnh nhân tâm thần còn khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều lần. Tuy nhiên, với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, những người thầy thuốc tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã vượt qua những trở ngại, định kiến, đồng cảm và chia sẻ với người bệnh, tạo điểm tựa về tinh thần cũng như điều trị bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, giúp họ sớm bình phục, hòa nhập cộng đồng.
Xem hình

Những số phận đáng thương

Cùng lãnh đạo Bệnh viện xuống thăm các buồng bệnh, vừa bước đến cửa khoa Điều trị bệnh nhân nữ, bỗng có tiếng chào hỏi to, lời mời đon đả của bệnh nhân: Em chào các anh chị phóng viên ạ! Để em mở cửa cho các nhà báo nhé! Thế rồi miệng nói, chân chạy vội vã ra mở cửa, vồn vã chuyện trò với chúng tôi như là những người thân thiết, biết nhau đã lâu lắm rồi. Mới đầu tiếp xúc không ai nghĩ những người đó là “không bình thường”, nhưng chỉ qua vài ba câu chuyện sẽ thấy sự khác biệt của họ. Hầu hết bệnh nhân luôn miệng nói mình là người tài giỏi, dạy người khác cách làm cái nọ, cái kia, rằng mình có thể làm được mọi việc, bản thân có bệnh tật gì đâu, bác sĩ cho em ra viện nhé...

Tiếp xúc với bệnh nhân Dương Thị H, 30 tuổi, ở xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn nhập viện do bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, đang thời kỳ hưng cảm nhận thấy nỗi buồn lo không chỉ của người bệnh mà cả người nhà của họ. Anh Nguyễn Văn H, chồng bệnh nhân H cho biết: “Vợ tôi bị bệnh 10 tháng nay, khi sinh cháu thứ 2 được 20 ngày bỗng nhiên bỏ đi. Tối đến gia đình tá hỏa đi tìm thấy cô ấy đang lội qua ao ở làng bên, may thời điểm đó ao cạn nước chứ không vợ tôi chắc chết đuối. Khi hỏi chuyện thấy vợ tôi cứ nói những chuyện ảo tưởng, bảo có người rủ đi lội qua vũng nước thôi mà, vậy là tôi giật mình biết vợ có lẽ bị bệnh về thần kinh. Đưa vợ lên khám tại Khoa Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai được bác sĩ chẩn đoán bị trầm cảm sau sinh. Điều trị thuốc mới được 1 tháng là vợ tôi bỏ không uống thuốc nữa, gia đình không thể ép được, đành phải cho xuống Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị. Mặc dù 2 đứa con còn nhỏ, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 10 tháng tuổi nhưng tôi đành để cháu ở nhà với ông bà để ở đây chăm sóc vợ cho ổn định...” Ngồi bên nghe chồng nói chuyện với chúng tôi, bệnh nhân H vẫn cười tươi thân thiện. Nhìn ánh mắt, nụ cười của chị thấy thật đáng thương bởi chị còn quá trẻ.

Cùng cảnh bệnh tật là chị Đinh Thị Th, sinh năm 1982 ở Kỳ Vỹ, Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình. Hoàn cảnh chị rất đáng thương khi gia đình nghèo, 3 con đang tuổi ăn học, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi. Bà Đinh Thị H, mẹ chị Th đau xót cho biết: Con tôi có biểu hiện bệnh cách đây 3 năm, gia đình thấy con thường xuyên mất ngủ, mặt thờ thẫn, hỏi không nói, mệt mỏi không làm được việc gì ngay cả việc nhà. Mấy năm trước tôi đã giục chồng nó cho đi khám ở viện nhưng do nhà nghèo, một mình làm thuê xây dựng kiếm tiền nuôi gia đình nên cứ lần lữa ngày này qua tháng nọ không cho vợ đi khám bệnh. Đến thời gian gần đây biểu hiện của con tôi nặng hơn, mặt mũi xám xịt do mất ngủ, bỏ ăn, gia đình quyết tâm cho Th đến Bệnh viện Tâm thần khám, bác sĩ chẩn đoán Th bị trầm cảm, phải điều trị.

Nỗ lực vì người bệnh

Bác sĩ chuyên khoa I Dương Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Bệnh viện tâm thần tỉnh cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, bệnh nhân vào Bệnh viện khám, điều trị tăng rất đông, thường xuyên có từ 10-18 rối loạn tâm thần khác nhau như do căng thẳng thần kinh, loạn thần do rượu, bị nghiện ma túy đá, bị tâm thần phân liệt… nên trách nhiệm đặt lên vai của người thầy thuốc tại bệnh viện vô cùng nặng nề. Bệnh viện hiện có 11 khoa, phòng, với 97 cán bộ, nhân viên, đang quản lý trên 4.800 bệnh nhân tâm thần, trong đó có 1.698 bệnh nhân tạm ngừng điều trị, cấp thuốc 3.125 bệnh nhân; có gần 100 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện.

Để tạo môi trường hòa đồng, giúp bệnh nhân yên tâm thoải mái trong quá trình điều trị, ngoài thái độ nhẹ nhàng, ân cần, động viên, các y, bác sĩ của bệnh viện còn đầu tư công sức xây dựng khuôn viên cây xanh để bệnh nhân cảm nhận như đang sống trong gia đình. Bệnh viện cũng không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng cách tăng cường đào tạo nhân lực, tranh thủ kinh phí đầu tư của Trung ương, của tỉnh để sắm các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ bệnh nhân. Hiện đã có 16 kỹ thuật về tâm thần đang được áp dụng tại bệnh viện, năm 2016, triển khai thêm 1 kỹ thuật mới về liệu pháp kích hoạt hành vi (BA). Bệnh viện đã được bổ sung trang thiết bị tương đối đầy đủ và đang dần đưa vào sử dụng có hiệu quả như máy siêu âm màu 4D, máy sinh hóa tự động, máy huyết học 18 thông số, máy nước tiểu tự động 10 thông số… Năm 2016, Bệnh viện đã điều trị nội trú vượt 190% chỉ tiêu kế hoạch gường bệnh giao, khám 13.943 lượt bệnh nhân, đạt 121%.

Đồng thời, Bệnh viện cùng các trung tâm y tế huyện, thành phố tuyên truyền về sức khỏe tại cộng đồng, hiện nay 100% huyện, thành phố, xã, phường có cán bộ theo dõi chuyên khoa tâm thần. Duy trì điều trị 3.125 bệnh nhân tại 145 xã, phường, thị trấn. Bệnh viện tâm thần tỉnh luôn là nơi tỏa sáng về y đức, là ngôi nhà thứ 2 của những người không may mắc bệnh về tâm thần.

Bài, ảnh: Tiến Minh