Luồng trào ngược dạ dày thực quản(TNDDTQ) là sự trào ngược thường xuyên bất thường kéo dài những chất chứa đựng trong dạ dày vào thực quản. Luồng TNDDTQ có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng rất hay gặp ở trẻ em từ lứa tuổi sơ sinh cho đến 3 tuổi. Tùy theo độ tuổi của trẻ có thể có luồng TNDDTQ sinh lý hoặc bệnh lý. Biểu hiện bệnh rất đa dạng, có thể gây nên nhiều biến chứng đáng lo ngại.

Nguyên nhân trẻ nhỏ dễ bị TNDDTQ:

Bình thường, khi trẻ bú, sữa đi qua miệng, xuống thực quản, qua tâm vị rồi vào dạ dày. Tại tâm vị có cơ vòng thực quản dưới tạo nên van một chiều có tác dụng ngăn dòng trào ngược từ dạ dày vào thực quản. Ở trẻ sơ sinh, các cơ van tâm vị còn yếu và xốp chưa phát triển đầy đủ. Nếu tư thế trẻ bú không đúng sẽ làm cho không khí trong dạ dày dâng lên cùng với một ít sữa, qua tâm vị trào ngược lên thực quản và ra ngoài. Giữa dạ dày và ruột cũng có một van có chức năng giống như tâm vị, gọi là môn vị. Trong khi cơ tâm vị ở trẻ rất yếu thì cơ môn vị lại rất phát triển, do đó, ở trẻ nhỏ, thức ăn rất dễ ứ đọng lâu trong dạ dày nên càng tạo điều kiện thuận lợi để xuất hiện TNDDTQ. Một yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng là ở trẻ sơ sinh, dạ dày nằm ngang, góc giữa dạ dày và thực quản là góc tù nên trẻ rất dễ bị trào ngược. Ngoài ra, nếu trong quá trình bú, trẻ có nuốt hơi và sau đó được đặt nằm ngang (đầu bằng) hoặc nghiêng bên phải, trẻ cũng dễ bị trớ sữa.

Dấu hiệu nhận biết TNDDTQ sinh lý và và bệnh lý:

- Trào ngược sinh lý: xảy ra trong thời gian ngắn, tần suất ít, sau ăn và không gây ra triệu chứng gì, trẻ vẫn phát triển tinh thần và thể chất bình thường thì được gọi là trào ngược sinh lý.

 - Trào ngược bệnh lý: xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và có thể gây ra triệu chứng lâm sàng với nhiều mức độ khác nhau. Trẻ vẫn thường ọc sữa sau 1 tuổi hoặc trẻ chậm lên cân, gầy gò, biếng ăn, sợ ăn, hay bị khò khè kéo dài, đáp ứng kém với điều trị, viêm phổi tái phát nhiều lần… thì nhiều khả năng là trào ngược bệnh lý. Khi đó cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

I. Biểu hiện của TNDDTQ:

1. Những biểu hiện điển hình: (triệu chứng tiêu hoá)

-Trớ (chất chứa dạ dày vào vùng hầu họng),

- Ọc (chất chứa dạ dày ra khỏi miệng): xảy ra thụ động, không gắng sức, không có sự tham gia của cơ hoành, biểu hiện ợ sau ăn, dễ dàng xảy ra khi thay đổi tư thế. Nôn ói có thể xảy ra 1 thời gian lâu sau bữa ăn hay bú, đôi khi làm cho trẻ khóc, thường xảy ra trước khi trẻ khóc.

- Nuốt khó và đau: khó nhận biết ở trẻ nhỏ, có thể xuất hiện trong những ngày đầu sau sinh làm cho trẻ bỏ bú và kèm theo khóc. Trẻ rất thèm bú nhưng khi sữa xuống thì trẻ lại nhả vú ra và khóc vì đau không nuốt được. Ở trẻ nhũ nhi, đau do TNDDTQ có thể gây rối loạn giấc ngủ kéo dài. Trẻ lớn có thể bảo là đau sau xương ức. TNDDTQ có thể gây ói máu. 

- Trẻ có thể bị suy dinh dưỡng: do nôn ói nhiều và từ chối ăn do bị đau và thiếu máu nhược sắc do chảy máu vi thể.

2. Những biểu hiện không điển hình: thường là những triệu chứng về hô hấp và tai mũi họng:

- Ho kéo dài: ho về đêm không giải thích được, gợi ý TNDDTQ, nhưng ho ban ngày cũng thường gặp, đặc biệt gợi ý khi cơn ho xảy ra lúc trẻ đang đùa giỡn, giảm hoặc biến mất khi trẻ yên tĩnh hay ngủ. Thường gặp trong những năm đầu đời.

- Bệnh viêm phế quản phổi tắc nghẽn: thường gặp sau 2-3 tuổi, trẻ nhũ nhi cũng có thể mắc bệnh, thường kèm khò khè. Tiền căn thường có rối loạn tiêu hoá gợi ý nguyên nhân TNDDTQ.

-  Nhiễm trùng phổi tái phát, xơ phổi lan tỏa không rõ nguyên nhân. Hen phế quản không rõ nguyên nhân.

-  Bệnh lý tai mũi họng tái phát: viêm xoang, viêm tai giữa… tái đi tái lại, không rõ nguyên nhân.

3. Những biểu hiện đáng lo ngại:

- Đột tử ở trẻ nhũ nhi.

- Cơn xanh tím đột ngột hoặc thoáng qua, những cơn nhịp nhanh hoặc chậm, giảm trương lực cơ, rối loạn vận mạch, cơn ngừng thở, tai biến dạng co giật.

II. Xử trí và điều trị:

1. Cách chăm sóc trẻ bị TNDDTQ:

Các bậc cha mẹ nên hiểu tình trạng trào ngược sinh lý chỉ là nhất thời trong giai đoạn đầu đời của trẻ, sẽ tự khỏi. Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp giảm triệu chứng, mang lại sự dễ chịu cho bé, đồng thời cũng làm cho cha mẹ yên lòng.

Đối với trẻ bú mẹ: nên cho bú bầu vú bên trái trước (bé mới bú nên lượng sữa trong dạ dày còn ít, có thể nằm nghiêng phải). Sau đó, chuyển bé sang bú bầu bên phải (lúc này dạ dày bé đã nhiều sữa, cần nằm nghiêng trái). Như vậy, sữa sẽ dễ dàng xuống dạ dày mà không gây trào ngược.

Nếu bú bình, để đầu núm vú bình sữa luôn đầy sữa, không để bình sữa nằm nghiêng. Khi bú xong, bế trẻ cao đầu trong 15-20 phút, vỗ lưng cho bé ợ hơi, sau đó đặt nằm nghiêng bên trái và kê gối hơi cao. Không để trẻ bú nằm dễ bị sặc, trớ sữa và không tâng bé lên xuống sau khi bú.

Khi cho bú, không nên để bé quấy khóc vì như vậy bé có thể nuốt nhiều hơi, gây căng dạ dày. Sau khi bú xong, cần bế bé theo tư thế thẳng, ngực áp vào một bên ngực mẹ, mặt kê lên vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng cho ợ hơi. Sau đó, nhẹ nhàng đặt bé nằm nghiêng bên trái, kê gối hơi cao.

Không ép trẻ ăn nhiều, chia thức ăn ra nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo đủ số lượng thức ăn cần thiết. Thời gian tối thiểu giữa hai lần bú là 2 giờ, tối đa là 4-5 giờ.

Dùng thuốc: Biện pháp này chỉ sử dụng khi việc điều chỉnh chế độ ăn và tư thế bú không có kết quả. Việc sử dụng thuốc gì và dùng như thế nào cần có ý kiến của nhân viên y tế. 

2. Điều trị: Chỉ dùng thuốc khi có biểu hiện TNDDTQ bệnh lý, điều trị chủ yếu nội khoa, chỉ can thiệp ngoại khoa khi có những bất thường giải phẫu đáng kể (thoát vị khe thực quản hay thoát vị dạ dày trong lồng ngực), có biến chứng biểu hiện bệnh hô hấp mãn tính hay viêm thực quản mà thất bại với điều trị nội khoa.

a, Điều trị nội khoa nhằm duy trì bữa ăn theo dung tích dạ dày, bảo vệ niêm mạc thực quản đối với dịch acid hay những thành phần dịch mật chưa được trung hòa, hỗ trợ làm trống dạ dày, điều hòa hoạt động cơ vòng thực quản dưới theo 2 bước:

* Bước 1: (điều trị không dùng thuốc). Tư thế: Nên thực hiện lúc nghỉ, đặc biệt trong lúc ngủ. Nằm sấp, đầu nâng cao, nghiêng 20-30 độ, nằm nghiêng phải có lợi cho việc tống sạch dạ dày. Cần lưu ý nằm sấp có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ.  Chế độ ăn: Chia nhỏ bữa ăn (không quá 7 lần/ngày), tránh ăn quá no. Làm đặc thức ăn. Chế độ ăn ít mỡ, tránh chocolate, café, trà, cocacola, thức ăn nhiều gia vị… Bữa ăn tối nên hạn chế. Giảm cân không được khuyến cáo ở trẻ em, trừ khi chúng bị béo phì. Những loại thuốc làm giảm áp lực cơ vòng thực quản dưới (nhóm xanthin) nên  tránh dùng khi có thể.

* Bước 2: Dùng thuốc khi bước 1 thất bại sau 1 tuần hoặc có dấu hiệu nặng, thời gian điều trị thường là 8 tuần. Ngưng dùng nếu sau 1 tháng không hiệu quả. Chú ý phải giữ bước 1. Tăng cường yếu tố bảo vệ niêm mạc thực quản: Chủ yếu tăng cường nhu động để tống dịch vị trở lại dạ dày, có thể dùng các thuốc kích thích nhu động như: motilium, metoclopramid. Hạn chế yếu tố tấn công niêm mạc thực quản bằng các thuốc ức chế tiết toan như Ranitidine, omeprazol, pantoprazol. Ranitidine, ức chế các thụ thể H2 làm giảm bài tiết dịch dạ dày. Ranitidine gây nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, buồn ngủ, đau khớp và độc tính gan, Ranitidine được sử dụng với liều 5-15 mg/kg/ngày. Omeprazole ức chế  bơm proton, rất hiệu quả trong điều trị viêm thực quản do trào ngược, liều dùng 0.5 - 2.5 mg/kg/lần (có thể dùng đến liều 3.3 mg/kg/lần), dùng liều thấp và tăng dần nếu không hiệu quả. Uống lúc sáng, lúc đói, trước ăn 30 phút. Nếu cải thiện triệu chứng có thể dùng ranitidine duy trì. Tác dụng phụ gồm nhức đầu, tiêu chảy, buồn nôn và ói mữa.

b, Phẫu thuật: Chỉ định can thiệp ngoại khoa khi không đáp ứng điều trị nội khoa, cần cân nhắc phẩu thuật sớm khi có triệu chứng hô hấp nặng (cơn ngưng thở, bệnh phổi mãn).

Bệnh TNDDTQ rất thường gặp ở trẻ em, bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, có thể gây nhiều biến chứng đáng lo ngại. Mục tiêu điều trị là loại các triệu chứng, làm lành viêm thực quản, xử trí và ngăn ngừa biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều trị nội khoa là chủ yếu.