Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao đứng thứ ba sau tim mạch và ung thư, đứng hàng đầu về mức độ tàn tật

Mùa lạnh dễ bị đột quỵ

          Theo các nhà nghiên cứu cho biết, cứ mỗi 45 giây trôi qua, trên thế giới lại có ít nhất một người bị đột quỵ và cứ 3 phút thì có một người tử vong vì căn bệnh này. Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao đứng thứ ba sau tim mạch và ung thư, đứng hàng đầu về mức độ tàn tật… Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 5 triệu người bị đột quỵ và ở Việt Nam có khoảng 200.000 người. Theo thống kê ở các bệnh viện, vào mùa lạnh, số người bệnh nhập viện vì đột quỵ tăng từ 15-30%, phần lớn là xảy ra ở người cao tuổi.

          Khi thời tiết trở lạnh, cơ thể tăng tiết các catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên. Mạch máu ở một số khu vực bị co lại sẽ đẩy máu ra các khu vực ít chịu ảnh hưởng hơn, gây tình trạng giãn mạch thụ động ở những nơi đó. Vì vậy, rất dễ gây ra những biến chứng đứt mạch não hoặc phù phổi cấp. Thời tiết lạnh cũng làm gia tăng số lượng hồng cầu tiểu cầu, và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, đột quỵ và bệnh mạch máu ngoại vi.

          Đột quỵ dễ xảy ra vào mùa lạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đe dọa tính mạng người bệnh, đặc biệt là người già. Hơn nữa, những người cao tuổi khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém, mạch máu cũng trở nên cứng hơn, giảm tính đàn hồi, máu tăng độ quánh do cholesterol tăng, giảm enzyme tiêu hủy sợi huyết, lòng mạch bị thu hẹp lại, máu hay bị vón cục, lưu lượng máu qua não giảm đi nhiều so với mức bình thường, nên rất khó thích nghi với các thay đổi bất thường của thời tiết.

          Đặc biệt, với những người có tiền sử tăng huyết áp, thành mạch máu thoái hóa sẽ dày lên, làm ảnh hưởng tới tuần hoàn não. Khi gặp sự thay đổi đột ngột từ bên ngoài, các động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu oxy và dưỡng chất, dễ dẫn tới đột quỵ, thậm chí tử vong.

          Dấu hiệu đột quỵ

          Do chứng bệnh này không có triệu chứng báo hiệu kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ. Chính vì thế, bạn hãy nắm vững những dấu hiệu sau đây là có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời.

          - Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

          - Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

          - Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được.

          - Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.

          - Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

          - Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

          Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ

          - Ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao.

          - Ổn định đường huyết.

          - Bỏ thuốc lá.

          - Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, ít cholesterol và muối.

          - Thường xuyên vận động để rèn luyện thể chất.

          - Ổn định trọng lượng cơ thể.

          - Thực hiện đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.

          Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người cao tuổi), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi thức dậy không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3-5 phút để cơ thể dần thích nghi.

          Sơ cấp cứu khi bị đột quỵ

          Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm  càng tốt để tận dụng thời gian vàng (3 giờ đầu) của não.

          Khi thấy ai đó có một trong các triệu chứng nêu trên cần nhanh chóng để người bệnh không bị ngã gây chấn thương. Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết  đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

          Đối với người bị tai biến mạch máu não, trong 3 giờ đầu thời gian là vàng, vì vậy hãy gọi xe cấp cứu hoặc taxi đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện  càng sớm càng tốt. Đối với địa bàn miền núi, vùng sâu nếu không có điều kiện hãy di chuyển bệnh nhân bằng cáng, không nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe máy, tránh sóc khi chuyển bệnh nhân.

          Khi di chuyển bệnh nhân, nên để bệnh nhân trên mặt phẳng, nghiêng mặt sang một bên, nới bớt quần áo cho thoáng.

          Nếu bệnh viện gần nhà có đủ điều kiện chữa trị thì không nên chuyển đến bệnh viện xa, trừ khi có chỉ định của bác sĩ, vì càng di chuyển xa càng có thể làm bệnh nhân nặng hơn.

          Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác, không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không. Nhiều người thường nhầm lẫn các dấu hiệu của đột quỵ với hiện tượng trúng gió, nên xoa dầu nóng, cạo gió, cắt lễ hoặc cúng bái… Điều này là hoàn toàn sai lầm, có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng thêm.

(Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ)

Tác giả: (