An toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ liên quan chặt chẽ tới sức khỏe, bệnh tật, quyền lợi con người mà còn tác động tới kinh tế, văn hóa, du lịch, an ninh và an toàn xã hội. Một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng thực phẩm đó là kiến thức, thực hành của các đối tượng tham gia vào chuỗi thực phẩm (người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và người quản lý thực phẩm).

Để nắm bắt thực trạng hiểu biết cũng như ý thức chấp hành các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời, hàng năm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đều triển khai điều tra kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm. Kết quả điều tra qua các năm cho thấy kiến thức và thực hành của các đối tượng có sự tiến triển rõ rệt, các chỉ tiêu thực hiện đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra.

 Trong năm 2015, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm triển khai điều tra kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm của 448 đối tượng, bao gồm: 112 người lãnh đạo, quản lý (người lãnh đạo, quản lý nhà nước, cán bộ chuyên trách về VSATTP và chủ cơ sở, người quản lý tại các cơ sở thực phẩm); 112 người trực tiếp sản xuất thực phẩm; 112 người kinh doanh dịch vụ ăn uống và 112 người tiêu dùng thực phẩm; đánh giá thực tế điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ của các cơ sở thực phẩm và điều kiện chế biến tại bếp ăn gia đình. Cuộc điều tra được tiến hành trên địa bàn 08 xã, phường, thị trấn, bao gồm: TT. Me, xã Gia Sinh – huyện Gia Viễn, TT.Nho Quan, xã Đồng Phong – huyện Nho Quan, TT.Yên Ninh, xã Khánh Nhạc – huyện Yên Khánh; P.Đông Thành, P.Nam Thành – TP.Ninh Bình.

 Kết quả điều tra được phân tích, xử lý số liệu và đánh giá kiến thức, thực hành về an toàn thực phẩm của các nhóm đối tượng. Qua kết quả điều tra năm 2015 cho thấy, đã có sự thay đổi về kiến thức và thực hành của người lãnh đạo quản lý so với năm 2014 (tăng từ 91,7% lên 93,8%), người sản xuất thực phẩm (tăng từ 74,0% lên 75,9%), người kinh doanh dịch vụ ăn uống (tăng từ 74,0% lên 76,8%), người tiêu dùng thực phẩm (tăng từ 76,0% lên 77,7%). Tỷ lệ đạt này cũng vượt chỉ tiêu đề ra năm 2015 (90,0% người lãnh đạo, quản lý; 75,0% người sản xuất; 75,0% người kinh doanh; 76,0% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về an toàn thực phẩm). Ngoài ra có 85,5% cơ sở sản xuất, 98,5% cơ sở dịch vụ ăn uống, 93,8% hộ gia đình đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.

 Để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng hiệu quả hơn nữa trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan chức năng mà người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng cần phải có ý thức chấp hành các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc chọn mua, sử dụng thực phẩm an toàn, tẩy chay các thực phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm./.