Tiếp theo: Bài 2: Nguy cơ lo kháng thuốc

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu HIV, các thuốc kháng virut (ARV) hiện vẫn là những thuốc duy nhất để cứu sống người nhiễm HIV/AIDS. Thế nhưng hiện nay, cả bác sĩ và bệnh nhân lại đang phải đối mặt với nỗi lo kháng thuốc. Theo Bộ Y tế, hiện có 3,3% bệnh nhân đã thất bại với phác đồ bậc 1.

Hệ lụy của việc không tuân thủ

Đúng hẹn, anh Vũ Văn T. ở huyện Yên Thủy (Quảng Ninh) lại đến Phòng khám ngoại trú Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh để khám và lấy thuốc. Anh cho biết, sức khoẻ của anh hoàn toàn bình thường và anh cũng vừa trở về sau chuyến đánh bắt cá ở đảo Bạch Long Vỹ. Nhưng hiện anh đang phải sử dụng tới phác đồ bậc 2. Chia sẻ về nguyên nhân phải chuyển đổi phác đồ điều trị, anh cho biết, năm 2002 chưa có thuốc điều trị miễn phí nên anh phải bỏ tiền ra mua. 2 năm đầu anh dùng thuốc đều đặn thì không có vấn đề gì, vẫn lao động bình thường, nhưng sang năm thứ 3, để tiết kiệm tiền (vì lúc ấy thuốc vẫn còn đắt), anh mua thuốc trong 1 tháng thì uống thành tháng rưỡi, cứ thế một thời gian sau đó thấy sức khoẻ yếu dần, kiểm tra CD4 tụt xuống còn dưới 200.

Sau này khi chương trình điều trị ARV được mở rộng anh mới được điều trị miễn phí. Anh nói: "Người khác dùng phác đồ bậc 1 thì khoẻ lên trông thấy còn tôi dùng đến 2 năm liền mà CD4 vẫn thấp, chỉ có 200, có lúc tụt xuống còn 150-160, xuất hiện nấm miệng rồi ho... Thấy không có kết quả, bác sĩ cho đi kiểm tra mới phát hiện phác đồ bậc 1 không còn tác dụng đối với tôi nữa. Từ khi chuyển sang phác đồ bậc 2, CD4 mới tăng lên, sức khoẻ lại bình thường".

Còn trường hợp của Nguyễn Văn N., mặc dù đã được tư vấn kỹ lưỡng và anh cũng biết rất rõ về hậu quả của việc không tuân thủ nhưng hễ cơn thèm ma tuý mà nổi lên đúng giờ uống thuốc thì N. phải tìm cho bằng được ma tuý để chích đã. Vì vậy mà phác đồ bậc 1 bây giờ cũng "bất lực" với anh.

BS. Lương Xuân Kiên - Trưởng phòng khám ngoại trú Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện có 974 bệnh nhân đang nhận ARV từ phòng khám, trong đó có 82 bệnh nhân phải sử dụng tới phác đồ bậc 2. Còn theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, ở nước ta hiện có trên 3% bệnh nhân đã bị thất bại với phác đồ bậc 1.

Những khó khăn...

Nói về nguyên nhân kháng thuốc, BS. Lương Xuân Kiên cho biết, chủ yếu là do bệnh nhân không tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc, đặc biệt đối với bệnh nhân AIDS vẫn còn sử dụng ma tuý rất khó tuân thủ điều trị. Một số khác bị dị ứng hoặc tác dụng phụ của thuốc cũng phải chuyển phác đồ. Ngoài ra, do điều trị ARV là điều trị suốt đời nên virut cũng có hiện tượng đột biến gen để kháng lại. Đây cũng là vấn đề khó khăn mà chúng ta phải ứng phó, nhất là trong thời gian tới.

PGS.TS. Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, cần phải giám sát bệnh nhân tại cơ sở thật tốt, nhất là việc tuân thủ điều trị để hạn chế thất bại với phác đồ điều trị. Thế nhưng hiện nay, nhân lực của các phòng khám ngoại trú còn hạn chế. Tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh hiện chỉ có 12 người (trong đó 4 bác sĩ điều trị, 2 bác sĩ tư vấn, 4 kỹ thuật viên và 2 nhân viên hỗ trợ) phải quản lý 1.139 bệnh nhân, trong đó 974 bệnh nhân đang điều trị bằng ARV. BS. Kiên cho biết, nhân lực thiếu là một trong những khó khăn lớn cho công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân AIDS, đặc biệt cản trở rất nhiều trong quá trình theo dõi một bệnh nhân kháng thuốc, nhất là trong tình hình kháng thuốc ngày một gia tăng như hiện nay.

Biểu hiện của các trường hợp kháng thuốc chủ yếu dựa vào lâm sàng như bệnh nhân có nhiễm trùng cơ hội mới trở lại, tải lượng virut tăng cao, tế bào CD4 bị giảm... Các ca nghi ngờ kháng thuốc ở đây cũng khá nhiều và vẫn đang được làm các xét nghiệm để theo dõi. Để phát hiện một bệnh nhân kháng thuốc sẽ mất rất nhiều thời gian từ việc theo dõi bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc đến tư vấn, làm các xét nghiệm, trao đổi với chuyên gia... rồi mới quyết định thay thế phác đồ. Đây là cả một quá trình mà nếu thiếu nhân lực sẽ rất khó khăn.

Cũng theo PGS.TS. Bùi Đức Dương, phác đồ bậc 1 mang tính phổ cập sẵn có của thuốc, giá thành rẻ. Loại 3 trong 1 mà nước ta sắp triển khai chỉ khoảng 150-200 USD/năm. Còn phác đồ bậc 2 là không sẵn có, tỷ lệ tai biến lại cao, giá thành đắt hơn rất nhiều lần. Nếu bệnh nhân phải sử dụng tới phác đồ bậc 2 thì mất khoảng 2.500-3.000 USD/năm.

Vì vậy, để cứu mình, cùng với những nỗ lực của quốc gia thì người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc để có thể duy trì phác đồ bậc 1 kéo dài thời gian tối đa nhất. Việc tuân thủ điều trị trong điều trị bằng thuốc kháng virut là rất quan trọng. Nếu uống thuốc không đều đặn, không đúng liều và không đúng giờ... sẽ dẫn đến hiện tượng virut kháng thuốc và sẽ tới lúc không còn thuốc để điều trị.