Đuối nước đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại Việt Nam, đặc biệt trong mùa hè và mùa mưa lũ. Dù nhiều chương trình truyền thông đã được triển khai, mỗi năm vẫn có hàng nghìn trẻ em bị cướp đi mạng sống do thiếu kỹ năng phòng tránh và sự giám sát kịp thời từ người lớn.

Đuối nước – “kẻ giết người thầm lặng”

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 236.000 người tử vong do đuối nước trên toàn cầu. Đáng báo động, phần lớn các trường hợp xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, sống tại những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp – trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn ở trẻ em, với con số thống kê từ 2.000 đến 2.800 ca tử vong mỗi năm – tương đương gần 7 trẻ mất mạng mỗi ngày. Đáng chú ý, nhiều trường hợp xảy ra ngay tại khu vực sinh sống quen thuộc, như ao hồ, mương nước, kênh rạch gần nhà.

Vì sao trẻ em dễ bị đuối nước? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em, bao gồm:

Thiếu kỹ năng bơi và kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm dưới nước.

Không có sự giám sát của người lớn khi trẻ chơi gần khu vực ao hồ, sông suối, mương nước.

Thiếu trang bị bảo hộ như áo phao, phao cứu sinh khi đi lại trên sông nước.

Môi trường sống tiềm ẩn nguy cơ nhưng không có rào chắn hoặc biển cảnh báo.
Người lớn thiếu kiến thức sơ cứu đuối nước, dẫn đến không kịp thời cứu sống trẻ.

          Làm gì để phòng, chống đuối nước?

Đuối nước có thể phòng ngừa được nếu gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương cùng phối hợp thực hiện các biện pháp dưới đây:

1. Trang bị kỹ năng bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ

WHO khuyến cáo, trẻ từ 6 tuổi trở lên nên được học bơi và trang bị kỹ năng tự thoát hiểm khi gặp tình huống nguy hiểm dưới nước.

2. Giám sát trẻ chặt chẽ

Người lớn cần luôn theo sát trẻ em, đặc biệt khi trẻ chơi ở gần ao hồ, sông suối. Không để trẻ tự ý tắm ở nơi không có người lớn trông coi hoặc khu vực nước sâu, có dòng chảy mạnh.

          3. Tạo môi trường sống an toàn: Chính quyền địa phương và người dân nên phối hợp:

- Rào chắn giếng, ao, hồ gần nhà.

- Lắp biển cảnh báo nguy hiểm tại những nơi nước sâu.

- Tổ chức kiểm tra và dọn dẹp khu vực có nguy cơ đuối nước, nhất là sau mùa mưa lũ.

          4. Tập huấn kỹ năng sơ cứu đuối nước

Sơ cứu đúng cách trong 3–5 phút đầu tiên có thể cứu sống nạn nhân đuối nước. Các lớp tập huấn kỹ năng sơ cứu như ép tim ngoài lồng ngực, hô hấp nhân tạo, gọi cấp cứu 115 đúng cách nên được tổ chức rộng rãi trong cộng đồng, nhất là tại các trường học, tổ dân phố và khu dân cư.

Hướng dẫn sơ cứu đuối nước cơ bản: Khi phát hiện người bị đuối nước:

- Gọi người hỗ trợ hoặc gọi 115 ngay lập tức.

- Tìm cách đưa nạn nhân lên bờ an toàn bằng sào, dây thừng, phao cứu sinh không nhảy xuống cứu nếu không có kỹ năng.

Nếu nạn nhân không thở, tiến hành hô hấp nhân tạo kết hợp ép tim ngoài lồng ngực.

Nếu miệng nạn nhân có nước, nghiêng đầu để thoát nước, sau đó tiếp tục cấp cứu.

Phòng chống đuối nước là trách nhiệm của mọi cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi người dân, nhất là cha mẹ, giáo viên và cán bộ y tế, cần được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết. Đồng thời, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức lớp học bơi và đầu tư cho các công trình hạ tầng an toàn với trẻ nhỏ.

Tai nạn đuối nước có thể phòng ngừa nếu có kiến thức, kỹ năng và sự quan tâm đúng mức. Hãy bắt đầu từ chính ngôi nhà, ngôi trường và khu dân cư của bạn. Đừng để một phút lơ là trở thành nỗi đau suốt đời!

 Gia Huy