Hút thuốc lá là một thói quen có hại đối với sức khỏe không chỉ người hút mà còn ảnh hưởng tới cộng đồng. Dù hút thuốc lá chủ động hay thụ động, khói thuốc, kẻ giết người thầm lặng xâm nhập vào cơ thể của con người, gây ra nhiều căn bệnh. Nhiều năm qua, vấn đề này mặc dù được tuyên truyền rộng rãi nhưng nhận thức về tác hại của thuốc lá của một số người vẫn còn hạn chế, người mắc bệnh liên quan đến thuốc lá vẫn còn nhiều, vì vậy cần được sự quan tâm nhiều hơn nữa của cộng đồng trong cuộc chiến phòng chống thuốc lá. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá phóng viên có cuộc trao đổi với Ông Phan Khắc Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 

Phóng viên: Xin ông cho biết, những năm qua công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả như thế nào?

Ông Phan Khắc Lưu : Tại tỉnh Ninh Bình, Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá đã được triển khai tại tỉnh từ năm 2015 bước đầu đã thu được những kết quả nhất định nhờ sự tham gia đồng bộ của các ban ngành, đoàn thể, trong đó nổi bật là vai trò của ngành Y tế, Giáo dục, Công an,  Đoàn Thanh niên... Trên cơ sở những kết quả đạt được, chương trình phòng chống tác hại thuốc lá sẽ tiếp tục được nhân rộng ra toàn tỉnh.

Để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra,  ngành Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh chủ động phối hợp với các Sở, Ban ngành thành viên Ban chỉ đạo tham mưu trong việc xây dựng các nội dung, triển khai các hoạt động chuyên môn cụ thể:

Về hoạt động tuyên truyền:

- Hàng năm tổ chức mít tinh, truyền thông lưu động hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và tuần lễ không thuốc lá

- Sản xuất 489 phóng sự/ phổ biến kiến thức;  1456 thông điệp tuyên truyền được đăng tải trên Đài PT-TH tỉnh

- 360 tin/bài được đăng tải trên Báo Ninh Bình, 7701 nội dung trên Website và mạng xã hội.

- Hơn 25.000 tài liệu truyền thông được sản xuất như Pano, áp phích, tờ rời, biển báo.

- Tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thi cấp cơ sở cho nông dân và học sinh.

Các nội dung tuyên truyền tập trung vào: Chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ, môi trường sống và kinh tế - xã hội; tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội; hướng dẫn cai nghiện thuốc lá; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Hoạt động thanh tra, giám sát:

     Hoạt động kiểm tra giám sát thực hiện Luật PCTH thuốc lá và các văn bản hướng dẫn đã tổ chức 98 đợt tại 632 đơn vị

Với các hoạt động tuyên truyền trên bước đầu đã nâng cao nhận thức, sự chuyển biến tích cực của toàn xã hội về tác hại của thuốc lá.

Phóng viên: Để có được kết quả đó, quá trình thực hiện có gặp những thuận lợi, khó khăn gì không thưa ông?

Ông Phan Khắc Lưu:

Về thuận lợi:

- Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế và sự phối kết hợp của các Ban ngành đoàn thể liên quan

- Được sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá - Bộ Y tế

- Sự ủng hộ của toàn xã hội, Ban chỉ đạo PC THTL các cấp, các cơ quan đơn vị trong tỉnh được kiện toàn và đã tổ chức triển khai được nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể và phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương, đơn vị, ban ngành, đoàn thể; các hoạt động tại cộng đồng mang lại hiệu quả cao được nhiều người dân hưởng ứng.

Về khó khăn, vướng mắc:

Bên cạnh đó, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cũng gặp những khó khăn nhất định đó là

- Công tác phối hợp giữa các ban, ngành trong công tác PC THTL chưa cao;  

- Đội ngũ làm công tác này còn kiêm nhiệm nên đôi lúc chưa được sát sao

- Ở một số đơn vị/địa phương vẫn còn tình trạng cán bộ hút thuốc lá do đó việc tuyên truyền không hút thuốc lá trong cơ quan rất khó khăn;

- Nhận thức của một số bộ phận người dân về tác hại của thuốc lá chưa tốt vẫn còn tình trạng hút theo thói quen, sở thích;

- Còn nhiều các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá chưa thực hiện đúng theo quy định.

     Phóng viên: Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cần nhiều thời gian để thực hiện, từ nay đến năm 2030, Ngành Y tế tiếp tục có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả phòng, chống tác hại của thuốc lá, thưa ông?

 

Ông Phan Khắc Lưu : Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đến 2030 Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá tỉnh tiếp tục củng cố tổ chức và mạng lưới phòng, chống tác hại thuốc lá và tăng cường năng lực điều phối của các Ban, ngành, đoàn thể về phòng, chống tác hại thuốc lá. Trong đó phấn đấu:

- 100% Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa phương hiểu biết về quy định của Luật PCTH của thuốc lá;

-  98% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá;

- 75% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTHTL;

- 100% các ngành/địa phương trong toàn tỉnh có Ban chỉ đạo về PCTH TL và ban hành được Kế hoạch về PCTH TL;

- 80% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc;

-  100% bệnh viện tuyến tỉnh có quy định về việc thực thi môi trường không khói thuốc trong khuôn viên, trong đó có 80% bệnh viện thực thi nghiêm môi trường không khói thuốc lá;

-  100% trường mẫu giáo và tiểu học thực hiện quy định nghiêm cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học;

- ít nhất 80% các công ty xe buýt thực hiện quy định cấm hút thuốc lá trên các phương tiện vận chuyển hành khách;

    - Có ít nhất 08 nhà hàng thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại khu vực trong nhà, ít nhất 04 khách sạn trở lên có khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá theo quy định;

20 nhà máy, xí nghiệp, công ty trong tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc nơi làm việc trong nhà.

- Tiếp tục sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tăng thuế suất đối với thuốc lá.

- Quyết liệt chống nạn buôn lậu thuốc lá

- Tăng cường các chương trình giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức của tất cả các đối tượng trong cộng đồng về tác hại của  thuốc lá. Tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo việc thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

- Trong giai đoạn tới, cần tăng cường thẩm quyền xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng của Ủy ban nhân dân các cấp, mà đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Về đối tượng bị xử phạt, cần xử phạt cả những người đứng đầu các địa điểm công cộng để xảy ra các tình trạng vi phạm. Điều này sẽ góp phần tăng cường các điều kiện thực thi của pháp luật trên thực tế.

Lê Lành (thực hiện)