Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực. Tuy vậy, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự quan tâm, chung tay của cả cộng đồng.

Cần chung tay tạo môi trường sống an toàn cho trẻ

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em. Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ gần 26%.

Tại Ninh Bình, theo thống kê từ ngành chức năng toàn tỉnh có gần 237 nghìn trẻ em, chiếm hơn 22% dân số. Riêng 4 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 843 ca tai nạn thương tích là trẻ em, tróng đó có 02 ca tử vong, 01 vụ trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em luôn là câu chuyện đau xót, để lại sự day dứt cho những người ở lại. Những con số này thực sự là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cấp, các ngành, mỗi địa phương và gia đình phải tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cùng chung tay thực hiện nhiều hành động thiết thực, cụ thể hơn để bảo vệ sự an toàn cho trẻ

Tăng cường rà soát nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ

Thực hiện công văn số 3223/BYT-BMTE của Bộ Y tế, ngày 30/5/2025, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản số 571/UBND-VP6 giao các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các cấp căn cứ hướng dẫn tại văn bản trên, triển khai các giải pháp, hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em tại địa phương trong dịp học sinh nghỉ hè, mùa mưa, bão, lũ; tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề, liên ngành và tự rà soát việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan đơn vị trong xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm về phòng, chống đuối nước trẻ em và vụ việc trẻ em tử vong do đuối nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Quyết định số 1248/QĐTTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em và các Văn bản chỉ đạo của tỉnh liên quan.

UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tổ chức việc phối hợp giữa UBND cấp xã với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tình nguyện quản lý chặt chẽ học sinh trong thời gian nghỉ hè, không đến trường, các thời điểm bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước trẻ em; rà soát, lập bản đồ các địa điểm, vùng nước, công trình có nguy cơ gây đuối nước để triển khai các biện pháp khắc phục, cảnh báo, cảnh giới. Tích cực triển khai các biện pháp xây dựng môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em: ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn, trường học an toàn.

Đ chủ động phòng tránh tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn, mỗi gia đình và cộng đồng, xã hội cần tích cực, trách nhiệm vào cuộc hơn nữa, làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Trong đó, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ, cộng tác viên của các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em; kiến thức, kỹ năng về trông giữ, giám sát trẻ; tổ chức các lớp dạy bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; kỹ thuật sơ, cấp cứu khi trẻ bị đuối nước… Tổ chức rà soát các nguy cơ có thể gây đuối nước cho trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng (bể nước, bể bơi, ao, hồ, sông, suối, nắp cống, nắp giếng…) để triển khai các biện pháp khắc phục, loại bỏ như: cắm biển báo tại nơi nước sâu, nguy hiểm, rào ao, lấp các hố nước, làm nắp cống, nắp giếng…; tạo môi trường an toàn, ngăn không cho trẻ tiếp cận với môi trường nguy hiểm; tổ chức thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền về việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước tại cơ sở dịch vụ có bể bơi; các cơ sở du lịch có ao, hồ, sông, suối, có dịch vụ thuyền chở khách tham quan; các bến thuyền, bến đò, bến phà giao thông đường thủy...; kiên quyết, xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi phạm. 

Việc tạo môi trường sống an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước cho trẻ em là vấn đề ưu tiên cần được gia đình, cộng đồng và toàn xã hội chung tay, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 550/100.000 trẻ em và 500/100.000 trẻ em vào năm 2030. Giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích năm 2025 xuống còn 16/100.000 trẻ em và 15/100.000 trẻ em vào năm 2030 theo Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030./.

 

Kim Thoa