Ngày 6/8, Hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y Dược Việt Nam lần thứ X diễn ra tại ĐH Y Dược Cần Thơ đã xác định đổi mới trong đào tạo và phát triển nhân lực y tế đang là yêu cầu bức thiết từ thực tế. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của công tác hoàn thiện hệ thống y tế nhằm hướng tới việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.
Xem hình
Đào tạo y dược cần đổi mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế.

Sẽ kéo dài thời gian đào tạo bác sĩ?

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, quá tải bệnh viện (BV), nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) tăng cao và sự thiếu hụt nhân lực, nhất là y tế kỹ thuật cao đang là thách thức và yêu cầu thực tiễn để chúng ta phải nâng cao và đổi mới đào tạo nhân lực y tế. Theo Bộ trưởng, hiện tỉ lệ bác sĩ (BS) trên 1 vạn dân trong nước mới chỉ là 7 BS trong khi nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới có trung bình 13, 17 hay 40 BS/1 vạn dân. Nhân lực y tế của ta đang thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Khâu đào tạo đóng vai trò quan trọng bậc nhất, tuy nhiên, với việc mở rộng quy mô, loại hình đào tạo trong khi cơ sở vật chất, nhân lực giảng dạy chưa phát triển tương ứng và chưa đáp ứng được dẫn đến chất lượng đào tạo chưa cao. Việc đào tạo, cơ sở vật chất đào tạo hiện nay phân tán nhiều nơi, nhiều ngành đào tạo không thu hút và nhiều hình thức đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế... đang là khó khăn và thách thức trong việc tìm lời giải cho bài toán đào tạo nhân lực y tế.Trong chiến lược đổi mới đào tạo gắn với quy hoạch phát triển nhân lực y tế, GS.TS. Nguyễn Công Khẩn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo - Bộ Y tế cho biết, bản chất cải cách về nhân lực y tế là đào tạo, sử dụng và chính sách sử dụng nhân lực y tế. Đây là những vấn đề hóc búa khi chúng ta còn những khó khăn là nhân lực y tế thấp, nhất là tuyến dưới; chất lượng đào tạo chưa đảm bảo. GS. Khẩn cho rằng, mô hình đào tạo y dược của chúng ta là sau 6 năm học tập, khi tốt nghiệp, sinh viên trường y có thể đi làm ngay (trong quá trình làm việc vẫn có thể tiếp tục theo học thạc sĩ và BS nội trú hay đào tạo liên tục, chuyên khoa, sau đại học), mặc dù đầu vào là những học sinh khá, giỏi nhưng đa số sinh viên sau khi ra trường chưa đủ năng lực để hành nghề độc lập. Hơn nữa thời gian đào tạo 6 năm so với nhiều nước cũng là ngắn, đặc biệt là thời gian làm BS thực tập sau khi ra trường cũng chưa có nên tay nghề non. Cùng quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội cho rằng, đào tạo nhân lực y dược của ta vẫn đang nặng về đào tạo mà chưa chú trọng đúng mức đến công tác nghiên cứu khoa học. Do đó, hệ thống đào tạo cần phấn đấu để thay đổi việc đào tạo 5 - 6 năm ra trường là thành dược sĩ, BS vì nhiều nước không còn tình trạng này nữa mà yêu cầu thời gian học tập và thực tập phải kéo dài đến 8 năm hay nhiều hơn nữa. PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh cũng đề xuất, nên chăng các trường cần xây dựng chuẩn đầu ra tại mỗi trường để trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ có một chuẩn đầu ra chung cho đào tạo y dược để nâng cao chất lượng.

Cần tăng đầu tư cho đào tạo nhân lực y tế

Trước thực trạng trên, để đổi mới đào tạo nhân lực y tế, Vụ Khoa học và Đào tạo đề xuất, BS sau khi tốt nghiệp BS đa khoa thì đào tạo luôn 2 năm cho chuyên khoa cấp I (CKI) và đề xuất kết nối với thực hành cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) hoặc sau khi tốt nghiệp BS đa khoa, BS sẽ có 1,5 năm thực hành để lấy CCHN; Đề xuất một số chuyên khoa định hướng vào năm cuối trong trường học coi như khởi động cho chương trình học CKI. Sau 2 năm kết thúc học CKI, coi như đủ điều kiện để cấp CCHN và có thể học tiếp CKII... Để thực hiện điều này cần tăng BV thực hành, nối kết với đào tạo CCHN, tăng giảng viên, chất lượng đào tạo và thực hành BV, thực hành tiền lâm sàng. Bên cạnh đó, cần giảm bớt đào tạo liên thông (chỉ tuyển ở một số chuyên khoa), đào tạo cử tuyển cần có chương trình hỗ trợ, tuyển chọn đối tượng; đào tạo theo nhu cầu xã hội cần phải phối hợp chặt chẽ với địa phương. Song song với đào tạo y khoa, cũng cần đổi mới trong đào tạo ngành dược, trang thiết bị y tế, các khối ngành thuộc khoa học sức khỏe như điều dưỡng, hộ sinh...

 Đổi mới đào tạo nhân lực y tế đóng vị trí then chốt trong cải cách hệ thống y tế. Đổi mới đào tạo phải gắn liền với quản lý và sử dụng nhân lực, đồng thời cũng phải gắn liền và phục vụ tích cực, có hiệu quả đối với đổi mới hệ thống y tế nói chung. “Bộ Y tế ủng hộ và tạo điều kiện để các đơn vị đào tạo đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện. Các dự án, hợp tác quốc tế, nguồn vốn đầu tư cho đổi mới đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cũng như mạng lưới chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam cần được Chính phủ và Bộ quan tâm hỗ trợ hơn nữa. Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo cũng cần phát huy vai trò chủ động, tự chủ trong tiến trình cải cách, đổi mới đào tạo nhân lực y tế”- GS. Nguyễn Công Khẩn nhấn mạnh.