Thực tế và kinh nghiệm của Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong hơn 25 năm qua, và ở các nước trên thế giới cho thấy tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Nhờ tiêm chủng, tỷ lệ mắc bệnh, tử vong của nhiều bệnh truyền nhiễm có vaccin dự phòng đã giảm đi. Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ được uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ sởi vào năm 2012. Có thể nói đây là một trong những thành tựu lớn nhất mà ngành y tế Việt Nam đã đạt được trong những năm qua.
Xem hình

 

Vai trò của vaccin trong phòng bệnh

Theo Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG), hơn 90% trẻ em chết dưới 5 tuổi là ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân tử vong chủ yếu ở trẻ em năm 2009 là tử vong sơ sinh, viêm phổi, và tiêu chảy. Những nguyên nhân này có thể dự phòng được bằng vaccin.

Hàng năm trên thế giới có hơn 14,5 triệu trẻ bị viêm phổi nặng do vi khuẩn phế cầu và 800.000 trẻ dưới 5 tuổi chết vì bệnh này. Ngoài ra bệnh còn để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, động kinh và điếc.

Nhiễm vi khuẩn Hib gây bệnh viêm phổi và viêm màng não cho khoảng 8 triệu trẻ em và làm 400.000 trẻ chết hàng năm.

Tiêu chảy do virus rota làm hơn nửa triệu trẻ em chết hàng năm.

Vaccin là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn. Không giống như các can thiệp y tế khác, vaccin giúp cho dự phòng và bảo vệ sức khỏe con người và qua đó góp phần phát triển nguồn nhân lực. Hiện nay đã có hơn 30 bệnh nhiễm khuẩn có thể dự phòng được bằng vaccin. Ngoài việc làm giảm tỷ lệ tử vong, việc phòng bệnh bằng vaccin giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não tốt, vaccin còn giảm mắc các bệnh khác, giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên. Đặc biệt phòng bệnh bằng vaccin còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng, như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau, đặc biệt giảm thời gian và công sức của phụ nữ do không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như làm giảm số trẻ sinh ra do không phải lo trẻ bị ốm và chết, góp phần nâng cao sức khỏe của phụ nữ. Ngoài ra, hiện nay chúng ta đã có vaccin phòng virus HPV gây ung thư cổ tử cung, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các ung thư ở phụ nữ. Tóm lại việc đầu tư cho tiêm chủng dự phòng bằng vaccin là đầu tư cho phát triển.

Vaccin làm thay đổi cơ cấu bệnh tật

Trên thế giới, chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) được TCYTTG  phát động năm 1974 với 6 loại vaccin lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã xếp TCMR đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Bệnh bại liệt hiện chỉ còn lưu hành ở 4 nước, số trẻ chết vì bệnh sởi năm 2007 giảm 78% so với năm 2000, số trẻ chết vì viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib hàng năm giảm đi 2,5 triệu trẻ sau khi nhiều nuớc triển khai đưa vaccin viêm gan B và Hib vào chương trình TCMR sau năm 2000. Các nghiên cứu đánh giá tác động của vaccin Hib ở các nước châu Phi như Kenya, Malawi, Senegal và Uganda cho thấy tiêm vaccin Hib làm giảm 85%-100% số ca mới mắc viêm màng não do Hib. Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 được coi là thập kỷ thành công nhất của lịch sử phát triển vaccin. Các vaccin mới là vaccin viêm màng não do não mô cầu, vaccin phế cầu phòng viêm phổi, vaccin rota phòng tiêu chảy và vaccin phòng virus HPV gây ung thư cổ tử cung. Theo tổng kết của Liên minh toàn cầu về vaccin và miễn dịch (GAVI), trong thập kỷ vừa qua vaccin viêm gan B và Hib được đưa vào chương trình TCMR ở nhiều nước đang phát triển đã góp phần dự phòng cho 5 triệu trẻ em khỏi bị tử vong vì các bệnh nhiễm khuẩn nhờ tiêm vaccin. Cùng với các hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, sự tăng đầu tư nguồn lực và kinh phí, với việc đưa thêm các vaccin mới vào chương trình TCMR trong 5 năm tới (vaccin phế cầu phòng viêm phổi, vaccin rota phòng tiêu chảy và các vaccin khác như sốt vàng, não mô cầu, viêm não Nhật Bản, rubella, thương hàn, HPV....),  hy vọng vào năm 2015 chúng ta có thể sẽ dự phòng thêm 4,2 triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh nhiễm khuẩn, góp phần đạt được mục tiêu của thiên niên kỷ làm giảm hai phần ba số trẻ em chết dưới 5 tuổi vào năm 2015 so với năm 1990. TCYTTG ước tính rằng nếu tất cả các vaccin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ cao trên 90%, thì hàng năm sẽ dự phòng bổ sung thêm cho 2 triệu trẻ khỏi tử vong.

Chương trình TCMR ở Việt Nam được bắt đầu từ năm 1985 với việc triển khai tiêm 6 mũi vaccin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới 1 tuổi là lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, và sởi. Năm 1997 bổ sung thêm vaccin thứ 7 là viêm gan B, và năm 2010 bổ sung thêm vaccin thứ 8 là vaccin Hib. Các vaccin khác được dùng ở các vùng có nguy cơ cao cho trẻ trên 1 tuổi là vaccin viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Trong nhiều năm liên tục tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở trẻ em đều đạt trên 90%. Chương trình đang phát triển các đề cương xin hỗ trợ của GAVI cho việc đưa thêm các vaccin mới vào Việt Nam trong các năm tới. Thực tế và kinh nghiệm của Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong hơn 25 năm qua, và ở các nước trên thế giới cho thấy rõ tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Bằng tiêm chủng vaccin, tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm khuẩn có vaccin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Nhiều bệnh không có ca nào tử vong sau năm 2005. Chúng ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70, bại liệt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh vào  năm 2005 và đang tiến tới loại trừ sởi vào năm 2012. Có thể nói đây là một trong những thành tựu lớn nhất mà ngành y tế Việt Nam đã đạt được trong những năm qua trong bối cảnh Việt Nam còn là một nước nghèo thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Thông qua việc triển khai thành công chương trình tiêm chủng mở rộng và các chương trình y tế khác, Việt Nam đã giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, từ 56 phần nghìn năm 1990 xuống còn 17 phần nghìn năm 2007, và đã đạt được mục tiêu thứ tư của thiên niên kỷ trước thời hạn 8 năm. Thành tích này đã được bạn bè quốc tế ca ngợi và khâm phục, và đã được GAVI vinh danh về thành tích xuất sắc trong việc làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em tại Hội nghị của GAVI ở Hà Nội tháng 11/2009.

Việt Nam đã sản xuất được những loại vaccin nào?

Hiện nay Việt Nam đã tự sản xuất được hầu hết các vaccin sử dụng trong chương trình TCMR. Đó là  lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi,  viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn. Thực tế cho thấy bằng việc sử dụng các vaccin sản xuất trong nước trong mấy chục năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tích to lớn như đã nêu trên. Hiện tại các công ty vaccin của Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm một số các loại vaccin khác như: Quai bị, Hib, Rubella, viêm màng não mô cầu, dại tế bào, cúm gia cầm H5N1, cúm mùa...

- Trong thời đại như hiện nay, cách tốt nhất để cạnh tranh với các loại vaccin ngoại nhập là không ngừng nâng cao chất lượng, tăng cường đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu chuyển giao và cải tiến công nghệ sản xuất các vaccin thế hệ mới có độ tinh khiết và an toàn cao hơn. Với kinh nghiệm và sự năng động của các công ty vaccin tôi hy vọng rằng trong tương lai không xa, người dân Việt Nam có thể hy vọng vào nguồn cung cấp các loại vaccin mới đa dạng và chất lượng được sản xuất trong nước.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG), hơn 90% trẻ em chết dưới 5 tuổi là ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân tử vong chủ yếu ở trẻ em năm 2009 là tử vong sơ sinh, viêm phổi, và tiêu chảy. Những nguyên nhân này có thể dự phòng được bằng vaccin

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển