Công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh đã và đang được quan tâm ngày càng nhiều, góp phần làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em.
Xem hình
Ảnh minh họa

Đối tượng ưu tiên khi xây dựng các chính sách về chăm sóc sức khỏe

Là đầu mối trực tiếp thực hiện 3 mục tiêu thiên niên kỷ là giảm tỷ lệ tử vong trẻ em; cải thiện tình trạng sức khỏe bà mẹ; phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác, trong thời gian qua, ngành Y tế đã đệ trình Chính phủ phê duyệt và ban hành nhiều chính sách liên quan, trong đó, bà mẹ và trẻ em là đối tượng ưu tiên luôn được đề cao trong các chính sách, kế hoạch hoạt động của ngành Y tế.

Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 30/6/1989, bên cạnh quy định việc bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe của các đối tượng cũng đã có những quy định mang tính đặc thù, ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe đối với phụ nữ và trẻ em.

Chiến lược Quốc gia Chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001 – 2010 (Quyết định số 136/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000) đặt ra mục tiêu tổng quát là “Nâng cao tình trạng sức khỏe của phụ nữ và các bà mẹ, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong mẹ, tử vong chu sinh và tử vong trẻ em một cách đồng đều hơn giữa các vùng và các đối tượng, đặc biệt chú ý các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách”.

Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2001 – 2010 (Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày 22/02/2001) đặt ra mục tiêu tổng quát là “Đảm bảo đến năm 2010, tình trạng dinh dưỡng của nhân dân được cải thiện rõ rệt, các gia đình trước hết là trẻ em và bà mẹ được nuôi dưỡng và chăm sóc hợp lý, bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng đủ  hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất lượng, bảo đảm về an toàn vệ sinh…”.

Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020 (Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004) có mục tiêu cụ thể 4 ghi rõ “Bảo đảm 100% các bà mẹ mang thai nhiễm HIV/AIDS, 100% trẻ em bị nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được quản lý, điều trị chăm sóc và tư vấn thích hợp”.

Để thực hiện các chính sách trên, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch Quốc gia về Làm mẹ an toàn tại Việt Nam giai đoạn 2003 – 2010; Kế hoạch hành động vì sự sống còn của trẻ em giai đoạn 2009 – 2015; Kế hoạch tổng thể Quốc gia về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe vị thành niên và thanh niên Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng 2020; Hướng dẫn Quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; Chương trình hành động Quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giai đoạn 2006 – 2010… Theo đó, Kế hoạch Quốc gia về Làm mẹ an toàn tại Việt Nam giai đoạn 2003 – 2010 đề ra các chỉ tiêu đến năm 2010: giảm 50% tỷ suất tử vong mẹ; giảm 20% tỷ lệ chết chu sinh; giảm 25% tỷ lệ trẻ sinh nhẹ cân. Chương trình hành động Quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giai đoạn 2006 – 2010 có các chỉ tiêu đến năm 2010: khống chế tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở mức dưới 0,5%; 90% số phụ nữ mang thai được tư vấn về HIV/AIDS và 60% số phụ nữ mang thai được tư vấn tự nguyện xét nghiệm HIV; 100% phụ nữ có thai nhiễm HIV và con của họ (số quản lý được) được điều trị dự phòng lây truyền HIV; 90% bà mẹ nhiễm HIV và con của họ (số quản lý được) được tiếp tục theo dõi và chăm sóc sau khi sinh…

Giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em

Ưu tiên chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình đã được kiện toàn. Hiện nay, cả nước có 11 bệnh viện nhi (1 bệnh viện nhi tuyến trung ương và 10 bệnh viện nhi tuyến tỉnh/thành phố) và 14 bệnh viện phụ sản (1 bệnh viện phụ sản tuyến trung ương và 13 bệnh viện phụ sản tuyến tỉnh/thành phố). Ngoài hệ thống bệnh viện, 63/63 tỉnh/thành phố đã có Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản với số cán bộ trung bình là 27 cán bộ/Trung tâm. Bên cạnh đó, còn có các khoa sản và ngoại sản của 667 bệnh viện huyện của 63 tỉnh và khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc trung tâm y tế dự phòng huyện của 63 tỉnh/thành phố. Trạm y tế xã/phường là đơn vị đầu tiên trong hệ thống nhà nước thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý thai, đỡ đẻ thường, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình… Theo báo cáo của 59/63 tỉnh/thành phố, đến tháng 9 năm 2010, có 93,45% trạm y tế xã có nữ hộ sinh trung học.

Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, mạng lưới trên đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình/giải pháp nhằm tăng cơ hội tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tử vong mẹ đã giảm liên tục từ 130/100.000 trẻ đẻ sống năm 1992 xuống còn 95/100.000 trẻ đẻ sống năm 2000, 75/100.000 trẻ đẻ sống năm 2008 và còn 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009, năm 2010. Từ năm 1999 đến nay, với hơn 800 “bà đỡ thôn, bản” thuộc 40/54 dân tộc thuộc 26 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ được đào tạo, góp phần tăng tiếp cận về chăm sóc trước, trong và sau sinh cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số vùng núi xa xôi. Tỷ lệ phá thai toàn quốc đã giảm dần qua các năm: từ 34,91% năm 2005 xuống còn 33,40% năm 2006, 32% năm 2007 và 29% năm 2008.

Đồng thời, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm khá nhanh và bền vững. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 42‰ năm 1999 xuống còn 27,5‰ năm 2005, 25,9‰ năm 2007 và tiếp tục giảm xuống khoảng 25‰ năm 2008. Tỷ suất tử vong dưới 1 tuổi giảm từ 36,7‰ năm 2000 xuống 17,8‰ năm 2005. Bên cạnh đó, những năm gần đây, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tiếp tục giảm mạnh, bền vững và giảm đều ở tất cả các khu vực. Cụ thể, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (thể nhẹ cân) giảm từ 33,8% năm 2000 xuống còn 25,2% năm 2005, 23,4% năm 2006, 21,2% năm 2007, 19,9% năm 2008 và còn 18,9% năm 2009. Việt Nam được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là nước có tốc độ giảm suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi nhanh trong khu vực (trung bình giảm 1,8% đến 2%/năm).

Hiện nay, Chương trình Quốc gia dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã đạt được những tiến bộ đáng kể và đang được tăng cường. Các điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã mở rộng từ 107 điểm cơ sở y tế năm 2006 lên 233 điểm năm 2009. Trong đó, 96 cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện và 127 điểm cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV và dịch vụ chuyển tuyến cho phụ nữ mang thai. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm trước khi sinh và tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị phòng lây truyền từ mẹ sang con đã tăng lên trong giai đoạn 2008 – 2009. Số phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV và biết kết quả tăng gần gấp đôi, từ 249.278 người năm 2008 lên 480.814 người năm 2009…

Quan tâm chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường nguồn lực, nâng cao trình độ cho cán bộ y tế; đào tạo “ bà đỡ thôn, bản” ở những vùng núi xa xôi, nơi nhiều người dân còn đẻ tại nhà; tăng cường chất lượng và tiếp cận chăm sóc trước trong và sau sinh, phối hợp chuyên ngành Sản – Nhi, xây dựng bệnh viện sản nhi và bệnh viện nhi cho các tỉnh…

Tác giả: Uyên Thảo