Mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Theo các bác sĩ, đỉnh dịch có thể bắt đầu vào giữa tháng 8 khi mưa kéo dài, thời tiết ẩm thấp.

Thấy cô con gái 3 tuổi có biểu hiện đỏ, ngứa, sưng mắt, thậm chí sáng dậy còn có gỉ, chị Thư (Đông Anh, Hà Nội) liền đưa đến một phòng khám tư gần nhà để khám. Tại đây, các bác sĩ kết luận cháu bị đau mắt đỏ và kê cho 3 loại thuốc. Tuy nhiên, nhỏ thuốc đến 3 ngày chị vẫn không thấy mắt con đỡ nên tiếp tục đưa đi khám tại một phòng khám khác và lấy một đơn thuốc mới.

"Thấy con mắt lúc nào cũng sưng húp, kèm nhem mà thấy tội. Thế mà uống, nhỏ thuốc mãi vẫn không khỏi. Sau 10 ngày, con khỏi đau mắt đỏ thì lại đến lượt mình bị lây dù đã cẩn thận phòng ngừa", chị Thư nói.

Bác sĩ Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết - Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, với bệnh đau mắt đỏ, việc điều trị cũng phải mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi. Vì thế bệnh nhân cũng như các bậc cha mẹ không nên quá sốt ruột. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh, có các viêm nhiễm phối hợp hay không...

Viêm kết mạc hay mọi người quen gọi đau mắt đỏ, là bệnh do virus adeno gây nên. Triệu chứng ban đầu của bệnh bao giờ cũng là ngây ngấy sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai. 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại.

Theo bác sĩ Đông, bệnh đau mắt đỏ đang vào mùa, cả trẻ và người lớn đều có thể mắc bệnh, nhưng trẻ dễ lây, dễ mắc hơn vì không phòng ngừa vệ sinh tốt, hay lê la, chơi với bạn bè. Bệnh nhân đến viện chủ yếu khám ngoại trú. Việc dùng thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng dự phòng các bội nhiễm khác chứ không chấm dứt đau mắt đỏ. Thậm chí, nhiều trường hợp không điều trị cũng có thể khỏi nếu biết cách vệ sinh tốt.

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Lan, Khoa Kết - Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cho biết, những năm trước dịch đau mắt đỏ thường xảy ra vào cuối hè, đầu xuân thì nay rải rác quanh năm, với mọi lứa tuổi. Bệnh gây khô mắt, tổn hại bề mặt giác mạc, điều trị dai dẳng nên thường gây khó chịu cho bệnh nhân. Bình thường bệnh này 10-15 ngày là khỏi, nhưng có người đến 6 tháng bệnh mới lành. Đây là bệnh lành tính, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ biến chứng, chủ yếu là viêm giác mạc.

"Nhiều người nghĩ bệnh đơn giản nên thường tự chữa. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lại tự ý dùng kháng sinh, thuốc chứa corticoid nhiều có thể gây suy giảm miễn dịch, khiến thời gian điều trị lâu hơn. Bệnh nhân đau mắt đỏ chưa đến mức phải dùng corticoid, nếu lạm dụng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, thậm chí mù mắt", bác sĩ Lan khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, người bệnh không nên tự ý tra thuốc bừa bãi, đặc biệt là những loại thuốc có chứa corticoid như Clorocid H1%, Dexaclor... nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không xông thuốc, xông lá bừa bãi vì có thể gây bỏng giác mạc, khiến bệnh lâu khỏi

Đường lây bệnh là do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống… Vì thế, để phòng bệnh, người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi nhỏ mắt cho người bệnh. Ngoài ra cũng cần chú ý nhỏ nước muối sinh lý, không dùng chung nhau để tránh lây bệnh qua đầu nhỏ thuốc. Khi bị bệnh thì cần nghỉ ngơi, tránh lây cho người khác.

Những người đã khỏi bệnh cũng không nên chủ quan vì tuýp virus gây bệnh ncó thời gian miễn dịch rất ngắn, trong vòng hai tháng. Vì thế, có người mắc bệnh đến 2 lần trong một đợt dịch.