Như chúng ta đã biết, vấn đề dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm với sức khỏe cộng đồng đang trở nên ngày càng quan trọng nhằm duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người ở mọi lúc và mọi nơi. Và đây luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng quan tâm, chú trọng.

Hiện nay, tại tỉnh ta, có những vấn đề về dinh dưỡng đang được quan tâm đó là:  thứ nhất là dinh dưỡng không hợp lý; thứ hai là thiếu sự hiểu biết kiến thức về dinh dưỡng đối với sức khỏe; thứ bà là vấn đề an toàn thực phẩm ( hay thực phẩm kém chất lượng).

          1.Thiếu sự hiểu biết kiến thức về dinh dưỡng: nguyên nhân chính là do trình độ dân trí của người dân ở từng vùng miền; do không quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng.

Khi được hỏi về chế độ dinh dưỡng của gia đình anh Phạm Văn Giang ở thành phố Ninh Bình cho biết: nhà mình chủ yếu thích ăn thịt lợn. Đa số các bữa ăn trong tuần đều được chế  biến từ thịt lợn: bữa thì là xương lợn hầm, thịt xào chua ngọt,  thịt băm...còn thi thoảng mọi người mới ăn cá, tôm và các loại thịt khác. Còn rau xanh cũng chủ yếu là xào và chỉ có 2 vợ chồng ăn là chính, các cháu nhỏ lười ăn rau, khi ép trẻ nhỏ ăn thì chúng cũng chỉ ăn ít. Vì vậy gia đình tôi để các cháu ăn theo sở thích. Cũng nói về vấn đề này, anh Đinh Bá Khởi ở xã Cúc Phương – Huyện Nho Quan nói: hoàn cảnh kinh tế gia đình còn khó khăn, nên vấn đề dinh dưỡng cho gia đình và các cháu không được cải thiện cho lắm. Bữa ăn thường ngày của chúng tôi gồm có rau luộc với thức ăn mặm tùy theo mẹ cháu đi chợ. Có nhiều khoản chi tiêu  phải lo lắm, nên bữa ăn có thức ăn mặn là ổn rồi.

 Có thể nói, 2 ý kiến trên của gia đình anh Giang và anh Khởi là một trong những thực trạng về vấn đề dinh dưỡng hiện nay tại cộng đồng. Một mặt, người ta ăn theo sở thích, thích gì là ăn, không thích không ăn, mặt khác do điều kiện về kinh tế mà một bộ phận người dân tại cộng đồng chưa có điều kiện quan tâm tới chế độ dinh dưỡng cho gia đình. Tuy nhiên một điểm chung khi hỏi cả 2 anh  kiến thức về chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với gia đình và từng khẩu phần ăn thì họ đều trả lời là không rõ, và nếu có biết thì cũng chỉ là “hình như là” hay “không chắc lắm”, và họ cũng không biêt hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân, gia đình như thế nào. Qua đó ta thấy kiến thức về dinh dưỡng của người dân cả thành thị lẫn nông thôn, vùng xâu, vùng xa còn rất mơ hồ, chưa quan tâm tới vấn đề này.

Sự hạn chế hiểu biết về kiến thức dinh dưỡng, về chất lượng thực phẩm của người dân, nhất là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc ít người ở miền núi cùng với đời sống kinh tế thấp kém do chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ...đã làm gia tăng các loại bệnh tật, nhất là các biểu hiện lâm sàng về các bệnh suy dinh dưỡng, các bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, tim mạch, loãng xương, đái tháo đường, thậm chí cả những bệnh hiểm nghèo như ung thư...Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

          Vì vậy, có thể nói kiến thức hiểu biết về dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp người dân, cộng đồng tự chăm sóc bản thân, gia đình và chủ động phòng, chống bệnh tật một cách hiệu quả nhất.

2. Khi người dân, cộng đồng thiếu sự hiểu biết về dinh dưỡng, thì đương nhiên việc thực hành dinh dưỡng một cách không hợp lý đối với gia đình và bản thân là điều không thể tránh khỏi.Bên cạnh đó, do đòi hỏi của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và do ảnh hưởng của xu hướng đô thị hóa, thị hiếu, quảng cáo...thói quen ǎn uống của một bộ phận dân cư đã dần thay đổi.

“Sau 10 năm, lượng thịt cá tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi nhưng rau xanh lại giảm. Thịt cá tăng khiến tỉ lệ tử vong do các bệnh mãn tính không lây có xu hướng tăng lên” - nhận định của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

 Thật vậy, theo khảo sát bằng cách phỏng vấn cho thấy bữa ăn hằng ngày của người dân đang có rất nhiều thay đổi những năm gần đây. Trước đây, khẩu phần ăn hằng ngày tương đối đơn điệu, bữa ăn chủ yếu là cơm và rau, ít thịt cá. Mô hình bữa ăn đơn điệu như vậy hiện vẫn còn thấy ở một số vùng nông thôn nghèo, vùng khó khăn hay xảy ra thiên tai hoặc ở những gia đình nghèo cả ở nông thôn và thành thị... Nhưng ở một bộ phận lớn người dân các vùng thành phố, vùng nông thôn khá giả và ở nhiều tầng lớp có thu nhập khá thì cơ cấu các chất sinh năng lượng trong khẩu phần đang có thay đổi rất lớn. Người dân ăn nhiều thịt, cá, trứng hơn so với trước đây. Trong khi thức ăn nguồn gốc động vật tăng lên thì số lượng rau các loại lại thấp đi.

Những thay đổi về tiêu thụ lương thực - thực phẩm hằng ngày đã ảnh hưởng rất lớn đến mô hình bệnh tật và tử vong hiện nay. Trong khi tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm giảm hẳn nhờ hiệu quả phòng chống dịch bệnh, thì tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh mãn tính không lây có xu hướng tăng lên. Đây cũng là quy luật chung cho các nước phát triển khi bước vào giai đoạn chuyển tiếp về kinh tế. Chất lượng sống hiện nay của một bộ phận người dân tăng lên, chất lượng dinh dưỡng về bữa ăn cũng tăng. Sự dư thừa năng lượng liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng của thừa cân, béo phì. Tiêu thụ thịt, chất béo cũng làm tỉ lệ người có hàm lượng lipit trong máu tăng, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường cũng tăng lên.

Như vậy thành phần thực phẩm trong bữa ăn hiện nay có những thay đổi không như mong muốn. Mức tiêu thụ thịt cao hơn mức khuyến cáo khá nhiều, trong khi mức tiêu thụ cá và các loại thủy sản khác, đặc biệt là rau còn thấp.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần cho bú sữa mẹ hoàn toàn. Sau giai đoạn sáu tháng cần cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 2 tuổi, bên cạnh bữa ăn. Trẻ ăn quá nhiều protit kể cả protit từ sữa bò gây nên gánh nặng cho hoạt động của thận.

Đến nay tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn cao, đây là lý do chính dẫn đến chiều cao thấp ở người trưởng thành. Nguyên nhân chính là thiếu đa vi chất dinh dưỡng ở người mẹ ngay từ thời kỳ trước khi mang thai, trong khi mang thai, thời kỳ cho con bú và ở trẻ em dưới 2 tuổi. Đây cũng chính là hậu quả của khẩu phần ăn đơn điệu, mất cân đối kể trên.

Bên cạnh đó, các bệnh liên quan đến chế độ ăn không hợp lý, tiêu thụ nhiều năng lượng, chất béo và cả protit cũng tăng lên. Điều này đang tạo ra “gánh nặng kép” về suy dinh dưỡng .

Các khuyến cáo về thực hành dinh dưỡng và chính sách liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe sẽ là một phần quan trọng của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và những năm tiếp theo.. .trong đó có việc dán nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm để người dân có quyền chọn lựa, biết được thực phẩm mình ăn bao gồm những gì, hàm lượng bao nhiêu.

Chúng ta cũng cần có những hướng dẫn về hoạt động thể lực cụ thể cho từng nhóm đối tượng, dựa trên mức tiêu hao năng lượng. Cần tăng cường truyền thông để mọi người có ý thức và thực hành duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, không hút thuốc lá, tăng cường hoạt động thể lực hằng ngày... nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, nâng cao chiều cao người trưởng thành, đồng thời góp phần kéo dài tuổi thọ của người dân.

3. Thực phẩm kém chất lượng: nguyên nhân sâu xa là do lợi ích kinh tế của người kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Tình trạng thực phẩm chất lượng kém ngày càng nhiều do việc trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản chế biến nông sản thực phẩm không đúng quy cách, nhất là việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, các hóa chất độc hại không được phép sử dụng...Sự mất dần một số cây trồng vật nuôi truyền thống do năng suất thấp nhưng sản phẩm của chúng lại có thành phần dinh dưỡng cân đối và hàm lượng cao các chất dinh dưỡng cùng với sự xuất hiện nhiều giống nhập nội có năng suất cao nhưng chất lượng kém. Điều này cũng góp phần làm giảm chất lượng thực phẩm.

Nhằm góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên tỉnh Ninh Bình đưa ra nhiều giải pháp dựa trên liên kết liên ngành nhằm từng bước giảm bớt và đẩy lùi các nguyên nhân gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành có liên quan luôn trú trọng, tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm trên mọi phương diện cũng như công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.

          Vì vậy UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường sự phối hợp liên ngành trong các hoạt động dinh dưỡng dưới sự lãnh đạo,chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động sự tham gia đầy đủ của các tổ chức xã hội, của mỗi người dân,ưu tiên vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số,đối tượng bà mẹ, trẻ em;tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và cán bộ thực hiện công tác dinh dưỡng tại cơ sở; tăng cường xã hội hóa huy động nguồn lực và phối hợp liên ngành nhằm thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng ở địa phương.

Có thể khẳng định, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề dinh dưỡng, bảo đảm dinh dưỡng cân đối, hợp lý là yếu tố quan trọng nhằm hướng tới phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống. /.

Tác giả: Thu Minh