Những năm qua, Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Gia Viễn đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm đưa kiến thức về công tác DS-KHHGĐ đến với các đối tượng vùng còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, đã góp phần “phá vỡ” tư tưởng lạc hậu “trọng nam khinh nữ”, đồng thời cung cấp những thông tin bổ ích, những biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn cho nhiều đối tượng vùng khó…
Xem hình
Phụ nữ xã Gia Phong (Gia Viễn) đọc tờ rơi tuyên truyền về DS-KHHGĐ. Ảnh: P.V

Tranh thủ thời điểm các hộ dân trên địa bàn trở về nhà chuẩn bị đón Giáng sinh, chị Yên Thị Dung, chuyên trách dân số xã Gia Thịnh đã lên kế hoạch đến từng hộ để tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ. Chúng tôi theo chân chị đến gia đình anh Nguyễn Đình Luyện và chị Đinh Thị Kiều ở xóm 3 thôn Kênh Gà. Theo chị Dung, vì thời gian tiếp cận được với các gia đình không nhiều nên những đối tượng sinh con một bề sẽ được ưu tiên và gia đình anh Luyện là một trong các gia đình như thế. Hai vợ chồng anh Luyện sinh được hai cô con gái. Gửi con cho ông bà chăm sóc, anh chị lại theo thuyền đi làm ăn quanh năm, bởi vậy mà không có điều kiện tham gia các hoạt động của tổ chức, đoàn thể nào. Việc tiếp cận với các thông tin về công tác DS-KHHGĐ cũng vì thế mà còn hạn chế. Vậy nên, khi có cán bộ chuyên trách tới trò chuyện, truyền đạt những kiến thức cơ bản về chính sách DS-KHHGĐ thì cả hai vợ chồng anh Luyện đều rất phấn khởi. Chị Kiều cho biết: Thực ra, nhiều khi chúng tôi cũng muốn có thêm một đứa con trai để nối dõi tông đường. Nhưng qua những lần tiếp xúc với những người làm công tác dân số, được hiểu hơn về chính sách dân số thì chúng tôi lại có suy nghĩ khác. Dừng lại ở hai con sẽ giúp vợ chồng tôi có thêm điều kiện để nuôi các cháu ăn học đến nơi, đến chốn. Cũng qua những buổi trò chuyện, tôi có thêm nhiều kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, được tiếp cận với những biện pháp tránh thai hiện đại, an toàn. Vậy là trong những chuyến đi tàu dài ngày, tôi không còn phải canh cánh nỗi lo “vỡ kế hoạch” nữa.

          Chị Yên Thị Dung cho biết, đáng mừng là ngày càng nhiều gia đình có tư tưởng tiến bộ như gia đình chị Kiều. Sự thay đổi tích cực ấy là động lực để những người làm dân số có thêm động lực để tiếp tục vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ. Địa bàn xã Gia Thịnh khá đặc biệt vì có đông đồng bào công giáo, mặt khác nhân dân một số thôn như Kênh Gà và Đồng Chưa đi làm ăn xa quanh năm nên việc tiếp cận tuyên truyền, vận động thực hiện công tác DS-KHHGĐ hết sức khó khăn. Không nản chí, càng khó khăn thì những người làm công tác dân số như chị Dung càng thêm quyết tâm và có nhiều “sáng kiến” để thực hiện tốt nhiệm vụ. Theo đó, một mặt các chị phải thuộc nằm lòng địa chỉ, hoàn cảnh của từng gia đình trên địa bàn, mặt khác phải tìm hiểu rõ nếp sinh hoạt của mỗi gia đình để có thời điểm tiếp cận hợp lý. “Mới đầu, khi đến từng nhà vận động, tuyên truyền chị em thực hiện các biện pháp KHHGĐ thì hầu như đều nhận được sự từ chối thẳng thừng hoặc e ngại, lảng tránh. Chúng tôi phải hết sức kiên trì, tế nhị, hiểu được tâm lý đối tượng để có cách thuyết phục, vận động. Vậy là vừa rủ rỉ tâm tình việc gia đình, con cái rồi tranh thủ lồng ghép nội dung tuyên truyền. Cũng có khi cùng làm việc đồng, việc nhà với đối tượng để có thời gian vận động”- chị Dung cho biết. Đặc biệt, đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ của xã được thực hiện ngay từ ngày mùng 6 Tết, khi mà bà con vẫn còn nghỉ ngơi ở nhà. Nhờ “mưa dầm thấm lâu”, nhận thức của chị em về KHHGĐ ngày càng được nâng lên. Mô hình sinh ít con được nhiều gia đình chấp nhận, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

          Bà Đinh Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Gia Viễn chia sẻ: Để công tác DS-KHHGĐ của huyện đạt hiệu quả cao, đồng bộ, thời gian qua chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các đối tượng vùng khó, vùng sâu, vùng xa. Một thuận lợi đối với ngành DS-KHHGĐ huyện Gia Viễn đó là có một đội ngũ cộng tác viên dân số nhiệt tình, trách nhiệm, họ chính là nhân tố quan trọng, tích cực, không ngại khó khăn, vất vả để đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình dân số ở cơ sở. Từ đó, tập trung tuyên truyền, vận động. Với những hoạt động tuyên truyền tích cực đó mà nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng khó, vùng sâu, vùng xa về vấn đề DS-KHHGĐ nói chung đã được nâng lên.

          Một đối tượng khác mà Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Gia Viễn hướng tới đó chính là công nhân trong Khu công nghiệp Gián Khẩu, công nhân trong các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn.

          Bà Đinh Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình huyện Gia Viễn chia sẻ, lâu nay các chương trình chăm sóc SKSS/KHHGĐ mới chỉ hướng tới các đối tượng là các cặp vợ chồng đã kết hôn, còn nhóm lao động trong các khu công nghiệp dường như bị … bỏ quên. Có nhiều nguyên nhân, song lớn nhất vẫn là do chủ sử dụng lao động chưa có sự phối hợp, tạo điều kiện cho người lao động tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức về DS-KHHGĐ. Hiện, trên địa bàn huyện có hàng vạn lao động, trong đó lao động nữ chiếm số đông. Các lao động trẻ này gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là việc tiếp cận các thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS/ KHHGĐ. Thời gian qua, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Gia Viễn đã phối hợp với Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên… chủ động xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền, vận động tới các doanh nghiệp, qua đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp đối với công tác chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho nữ công nhân. Nhờ vậy, mà đã có nhiều doanh nghiệp chủ động phối hợp với Trung tâm DS- KHHGD huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho người lao động. Trung tâm DS-KHHGĐ phối hợp với các doanh nghiệp làm các pano tuyên truyền khổ lớn đặt tại doanh nghiệp, khu vực trung tâm- nơi có đông công nhân qua lại; tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh tại mỗi phân xưởng và cấp phát bao cao su cho các công nhân có nhu cầu; đồng thời tổ chức khám, tư vấn cho nam, nữ công nhân trong lĩnh vực chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Bên cạnh đó, các hoạt động tư vấn, khám chuyên sâu và điều trị viêm nhiễm đường sinh dục cho công nhân cũng được phối hợp tổ chức.