Vừa qua, có dịp về với Bệnh viện và phục hồi chức năng Tam Điệp, một bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, tôi không khỏi ngạc nhiên trước những đổi thay mà Bệnh viện đạt được trên tất cả mọi lĩnh vực.
Xem hình
Phục hồi chức năng cho Bệnh nhân

Trong khuân viên rộng hàng chục nghìn m2, hàng chục công trình phục vụ cho việc khám, chữa bệnh, khu dinh dưỡng, khu phục hồi chức năng (PHCN) và các công trình phụ trợ được xây dựng khang trang với đầy đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và nghỉ dưỡng của bệnh nhân. Trong 5 năm trở lại đây, với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của ngành, Bệnh viện đã khai thác tối đa mọi nguồn lực, tập trung xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thêm thiết bị thế hệ mới, tạo tiền đề thuận lợi cho việc chữa trị và PHCN. Hiện, Bệnh viện đã hoàn thiện khu phục hồi chức năng quy mô lớn, với những trang thiết bị tiên tiến, bảo đảm cho hàng trăm bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chữa trị và luyện tập.

Bên cạnh nhiệm vụ chính là tổ chức chữa bệnh, điều dưỡng những người có công, thương bệnh binh, lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ, công nhân viên chức đương chức và đã về nghỉ chế độ, nận nhân chất độc da cam, những năm gần đây, Bệnh viện còn mở rộng thu dung thêm bệnh nhân ngoài xã hội, đặc biệt là người khuyết tật, thần kinh, đau xương khớp, sau chấn thương, tai biến cần được phục hồi... Do những đổi mới có tính khả thi cao trong công tác tổ chức, quản lý phục vụ người bệnh, tích cực chuẩn hóa đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, công chức, tăng cường toàn diện cơ sở vật chất, không ngừng nâng cao chất lượng thăm khám, chữa trị, điều dưỡng, PHCN đã giúp thu hút ngày một đông hơn số bệnh nhân đến với Bệnh viện. Mỗi năm, đã có hàng trăm bệnh nhân bị chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, những bệnh nhân sau tai biến bị liệt các cơ quan vận động đến đây chữa trị phục hồi đạt hiệu quả tích cực. Trong PHCN, Bệnh viện đã ứng dụng hàng chục đề tài, tiến bộ khoa học thực hành trên những phương tiện, thiết bị tiên tiến, giúp cho không ít bệnh nhân bại liệt, đau nhức tê buốt nửa thân người, tay chân run rẩy đã dần được phục hồi. Đến nay, Bệnh viện đã có đủ điều kiện tiếp nhận từ các tuyến gửi về, tổ chức PHCN và điều dưỡng cho những người mắc bệnh cấp tính, mãn tính, bệnh nghề nghiệp, di chứng chấn thương khuyết tật bẩm sinh và các nhu cầu phục hồi khác. Bệnh viện cũng đã phát triển và ứng dụng thành công các kỹ thuật chuyên ngành PHCN như vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, tư vấn tâm lý kết hợp với chế độ din dưỡng, sử dụng thuốc hợp lý... Đối với bệnh nhân ngoại trú đều được hướng dẫn,căn dặn chu đáo, theo đó mà kết quả điều trị đạt được hết sức tích cực. Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, Bệnh viện đã cử cán bộ thường xuyên tăng cường cho tuyến dưới, giúp cho cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để khám, chữa trị cho bệnh nhân, vừa giúp giảm chi phí cho người bệnh, vừa giảm áp lực cho tuyến trên.

Việc đào tạo, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ thầy thuốc được đặc biệt quan tâm vì đây là tiền đề để giúp Bệnh viện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Vào thời điểm này, Bệnh viện có trên 60 cán bộ, công chức và nhân viên hợp đồng. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt đều có trình độ đại học và trên đại học. Hàng năm, Bệnh viện đều xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ, viên chức và người lao động, động viên, tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia học tập văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, pháp luật và những thông tin y học mới chuyển giao và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào khám, chữa bệnh và PHCN. Một kết quả đáng khích lệ là đến thời điểm này, đã có 20 đề tài khoa học cấp cơ sở, các ngành được nghiên cứu, triển khai và vận dụng có hiệu quả vào hoạt động chuyên môn của Bệnh viện. Gần đây đã có thêm những đề tài được Hội đồng khoa học Bệnh viện nghiệm thu, trong đó đề tài có giá trị khoa học vào thực tiễn cao như: "Đánh giá kết quả hoạt động PHCN đối với 109 người bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não tại Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN Tam Điệp" của bác sỹ chuyên khoa I, Phó Giám đốc Trần Văn Nghĩa và bác sỹ Nguyễn Thị Mỹ Linh. Sáng kiến "Sử dụng giường tập có trục ròng rọc để tập luyện cho người bệnh tại phòng bệnh" của kỹ thuật viên Phạm Trọng Vĩnh. Bác sỹ chuyên khoa II, Giám đốc Bệnh viện Trần Văn Hải có 4 đề tài cấp ngành, ứng dụng các tiến bộ y học vào phục hồi chức năng cho người bệnh, tiêu biều như đề tài: "Kết quả bước đầu PHCN vận động 73 người bị liệt nửa người tại Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN Tam Điệp", "Đánh giá kết quả PHCN bằng vật lý trị liệu đối với người bị bệnh khớp mãn tính tại Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN Tam Điệp". Kết quả là mỗi năm đã có hàng trăm bệnh nhân bị liệt nửa người, những di chứng nặng nề sau tai biến, những người bị xương khớp, thần kinh đã được phục hồi.

Từ những nỗ lực toàn diện của Bệnh viện, nhiều năm qua Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN Tam Điệp liên tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu cơ bản như tổng số bệnh nhân điều trị nội trú đạt trên 114%, tổng số lần khám đạt 114% tổng số ngày điều trị nội trú đạt 102%. Từ năm 2001 đến nay, Bệnh viện đã nhiều năm đạt danh hiệu Bệnh viện xuất sắc, xuất sắc toàn diện, 3 lần được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, của UBND tỉnh, của ngành Y tế Ninh Bình. Năm 2008, Bệnh viện được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.