Trong thời gian tới, hàng triệu người trên toàn cầu sẽ cùng nhau kỷ niệm ngày thế giới phòng chống bệnh lao vào ngày 24 tháng 3. Khẩu hiệu của Ngày Thế giới phòng chống bệnh lao năm 2024 trên toàn cầu là “YES! WE CAN END TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao) – truyền tải đi thông điệp của hi vọng rằng đẩy lùi bệnh lao là hoàn toàn khả thi thông qua sự lãnh đạo cấp cao, tăng cường đầu tư các nguồn lực và theo sát những khuyến nghị mới nhất của Tố chức Y tế Thế giới (WHO). Đi cùng với những cam kết tại Hội nghị cấp cao của Liên Hiệp Quốc về đẩy nhanh quá trình chấm dứt bệnh lao, năm nay sự chú ý được chuyển qua việc biến những cam kết đó thành hiện thực.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2023:

75 triệu sinh mạng được cứu sống nhờ những nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt bệnh lao từ năm 2000 đến nay.

10,6 triệu người mắc lao trong năm 2022.

1,3 triệu người tử vong do lao trong năm 2022.

Trong sứ mệnh giúp các quốc gia tăng khả năng tiếp cận với các biện pháp điều trị dự phòng lao, WHO sẽ ra mắt khoản đầu tư nhằm nhân rộng sự đại trà của các biện pháp điều trị dự phòng lao. Vào ngày Thế giới phòng chống bệnh lao năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra những thông điệp chủ chốt sau đây:

Sự chỉ đạo cấp cao và hành động để chấm dứt bệnh lao:

Đi cùng với nhưng cam kết của các nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị cấp cao Liên Hiệp Quốc 2023 về thúc đẩy quá trình chấm dứt bệnh lao, sự tập trung năm nay là biến những cam kết thành những hành động cụ thể.

Sự đầu tư bền vững về nguồn lực, sự hỗ trợ, sự quan tâm và thông tin là thiết yếu để đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi với các dịch vụ chăm sóc và cho nghiên cứu:

 Việc này là cực kì cần thiết để thu hẹp khoảng cách trong chăm sóc và đảm bảo sự tiếp cận công bằng khả năng điều trị dự phòng và các biện pháp chăm sóc theo quy định của WHO nhằm đặt được Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đầu tư càng nhiều nhằm hỗ trợ phổ cập các biện pháp điều trị dự phòng lao, càng giảm bớt chi phí cho chẩn đoán và điều trị, qua đó những sáng kiến và công cụ số sẽ dưa tới sự nâng cao sức khỏe toàn dân và cứu sống hàng triệu sinh mạng. Và quan trọng hơn hết, đầu tư vào nghiên cứu và kiến tạo giải pháp là công cụ chủ chốt nhằm đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao.

Củng cố sự phối hợp liên ngành và cam kết trách nhiệm:

Mục tiêu chấm dứt bệnh lao đòi hỏi những hành động bài bản bởi mọi cấp ban ngành trong việc cũng cấp đúng giải pháp, sự hỗ trợ và khả năng cung cấp môi trường an toàn đúng nơi đúng lúc. Nghèo đói, bất bình đẳng, suy dinh dưỡng, các bệnh đi kèm, sự phân biệt đối xử và kì thị là những yếu tố chính khiến bệnh lao trở nên khó ngăn chặn.

Ngăn chặn sự bất bình đẳng trong chăm sóc y tế để đảm bảo sức khỏe toàn dân:

Người bệnh lao là một trong những nhóm người dễ tổn thương và bị gạt ra ngoài lề xã hội nhất. Dẫn đến việc họ phải đối mặt với rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế. WHO đang kêu gọi một nỗ lực toàn cầu trong việc xóa bỏ sự bất bình đẳng đó cho người bệnh lao nói riêng và tất cả các bệnh tật nói chung.

Tiến sĩ Tereza Kasaeva, Giám đốc Chương trình Lao Toàn cầu của WHO cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng tất cả những hành động chung này có thể giúp thúc đẩy cuộc chiến với bệnh lao để cứu sống nhiều người và đạt được các mục tiêu về bệnh lao toàn cầu”. "Theo yêu cầu trong tuyên bố chính trị lần thứ hai của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc, WHO sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu trong ứng phó với bệnh lao, hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan cho đến khi chúng tôi tiếp cận và cứu được mọi người, gia đình và cộng đồng bị ảnh hưởng bởi căn bệnh chết người này. Chúng tôi phải giữ động lực để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh cổ xưa này và tiếp cận với người bị ảnh hưởng để có những chăm sóc cần thiết".

Thông tin về Ngày Thế giới phòng chống Lao:

Lao vẫn là một trong những bệnh lây truyền nguy hiểm nhất thế giới.

Mỗi ngày có gần 3560 người tử vong và khoảng 30,000 người bệnh mới vì căn bệnh có thể dự phòng và điều trị khỏi này.

Nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến với bệnh lao đã cứu sống xấp xỉ 75 triệu mạng sống từ năm 2000 đến nay. Đã có một nỗ lực hồi phục đáng ghi nhận trong việc phổ cập phương pháp chẩn đoán và điều trị lao trong năm 2022. Nó cho thấy một xu hướng tích cực nhằm đảo ngược những tác động tiêu cực do sự gián đoạn mà đại dịch Covid gây ra.

Trong Báo cáo Lao Toàn cầu mới nhất, WHO nhấn mạnh rằng đã có hơn 7,5 triệu người bệnh lao được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị trong năm 2022, nhiều nhất kể từ khi WHO bắt đầu ghi nhận số liệu từ cách đây 30 năm. Thêm vào đó, Hội nghị Cấp cao Liên Hiệp Quốc đã đồng ý với những mục tiêu mới nhằm chấm dứt bệnh lao, và WHO đã ra mắt Hội đồng Thúc đẩy Vắc xin Lao, nhằm triển khai việc phát triển, cấp phép và đảm bảo sự bình đẳng trong việc khai thác và sử dụng vắc xin Lao mới.

Tuy nhiên, công cuộc đạt được mục tiêu phòng chống lao toàn cầu được đề ra năm 2018 gặp phải nhiều khó khăn bởi sự gián đoạn do đại dịch và và những cuộc xung đột trên toàn cầu.

 Có thể nói, Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3 hàng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu. “YES! WE CAN END TB” (ĐÚNG! CHÚNG TA CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO) - Chủ đề năm nay mang đến niềm hy vọng và niềm tin mạnh mẽ như một lời khẳng định đanh thép của tất cả chúng ta rằng việc chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.

       Những dấu hiệu của bệnh lao phổi: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác: Ho ra máu, sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm, đau tức ngực, gầy sút cân.

        Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả: ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh lao; Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang  phổi để phát hiện bệnh lao; Khi mắc bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày; Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

      Một số khẩu hiệu Ngày Thế giới Phòng, chống lao năm 2024:

- ĐÚNG! VIỆT NAM CÓ THỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO!

- PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA CƠ SỞ Y TẾ TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LAO.

- MẠNG LƯỚI CƠ SỞ Y TẾ ĐỦ NĂNG LỰC TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG RỘNG KHẮP LÀ LÁ CHẮN BẢO VỆ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC BỆNH LAO.

- TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH PHỔI VÀ LAO KIỂM SOÁT.

- TRỊ LAO CHO HẾT MỘT LẦN – CHO CON KHỎE MẠNH MƯỜI PHẦN AN TÂM.

- LAO TIỀM ẨN – KHÔNG HO CHẲNG SỐT – NHỚ ĐỪNG CHỦ QUAN.

DÙ MẮC LAO – ĐỪNG LO LẮNG – SẼ KHÔNG SAO – BHYT SẼ LO ÂU – CHIA GÁNH NẶNG.

- HO, SỐT, MỆT MỎI, SỤT CÂN – KHÁM LAO NGAY – ĐỪNG PHÂN VÂN.

- THAY KỲ THỊ - BẰNG ĐỘNG VIÊN – CHUNG TAY ĐẨY LÙI BỆNH LAO!

- NGUY CƠ MẮC LAO KHÔNG PHÂN BIỆT AI!

- ĐÚNG THUỐC – ĐÚNG LIỀU – ĐỦ THỜI GIAN – BỆNH LAO SẼ KHỎI.

- SÀNG LỌC SỚM – TRÁNH TRỞ NẶNG – NGỪA TỬ VONG.

- SÀNG LỌC LAO – TIẾP CẬN DỄ DÀNG – PHƯƠNG PHÁP HIỆN ĐẠI – CHÍNH XÁC TUYỆT ĐỐI.

- VÌ SỨCKHỎE VIỆT NAM – HÃY CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ CHẤM DỨT BỆNH LAO VÀO NĂM 2035!

- NHIỆT LIỆT HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG, CHỐNG LAO

- PHÒNG CHỐNG LAO – TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH VÀ BẢN THÂN MỖI NGƯỜI DÂN, TIẾN TỚI THANH TOÁN

BỆNH LAO!

 

Nguyễn Minh tổng hợp