Bệnh đái tháo đường đã và đang gia tăng nhanh chóng ở mọi quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực.
Xem hình

Theo báo cáo mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường quốc tế, năm 2013 có 382 triệu người hiện mắc bệnh đái tháo đường. Trong năm 2013, đái tháo đường gây ra tử vong cho 5,1 triệu người và tổn thất khoảng 548 triệu  đô la Mỹ cho các chi phí về chăm sóc sức khỏe. Nếu không có hành động để dự phòng bệnh đái tháo đường sẽ có khoảng 592 triệu người hiện mắc trong vòng chưa đầy 25 năm tới. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, đái tháo đường sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 7 trên thế giới vào năm 2030. Đái tháo đường trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến  gây bệnh tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia, chủ  yếu qua việc làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Đái tháo đường là một nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, cắt cụt chi và tổn thương thận. Thiếu kiến thức về bệnh đái tháo đường, cùng với việc tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ y tế và các thuốc thiết yếu có thể dẫn đến các biến chứng trên.

Tại Việt Nam, theo BS. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong vòng 10 năm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng 200%. Theo kết quả điều tra, năm 2002, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường lứa tuổi 30- 64 tuổi toàn quốc là 2,7% và tăng lên 5,4% năm 2012. Đây là điều đáng báo động khi tỷ lệ đái tháo đường gia tăng hơn dự báo của thế giới, tăng 54% trong vòng 20 năm 2010- 2030. Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose cũng tăng lên từ 7,7% năm 2002 lên 13,7% năm 2012.

Theo bác sỹ Phan Hướng Dương, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán tại cộng đồng cao. Bệnh đái tháo đường typ 2 còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” do bệnh âm thầm tiến triển trong cơ thể con người. Vì vậy, một số lượng không nhỏ người bệnh chỉ có thể phát hiện ra mình bị bệnh khi bệnh đã có biến chứng như giảm thị lực do đục thủy tinh thể, bệnh lý võng mạc, biến chứng thận, biến chứng tim mạch. Việc phát hiện muộn sẽ gây thêm những tốn kém cho công tác điều trị bệnh cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy, tỷ lệ rất lớn người bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán tại cộng đồng. Tỷ lệ người bệnh chưa được chẩn đoán  năm 2002 là 64,6%, năm 2012 là 63,6%. Tuổi mắc bệnh đái tháo đường typ 2 ngày càng trẻ hóa. Trước đây, bệnh đái tháo đường tup 2 thường xuất hiện ở những người trên 45 tuổi. Điều đáng lo ngại hiện nay là bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ ngày càng nhiều. Trên thực tế, nhiều bệnh nhân đái tháo đường typ 2 mắc bệnh ở lứa tuổi còn rất trẻ: 11- 15 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh ở lứa tuổi thiếu niên, đây là yếu tố nguy cơ cao của bệnh đái tháo đường typ 2.

Để phòng tránh bệnh đái tháo đường, người dân cần thực hiện: Giảm cân: giảm trọng lượng cơ thể là cách đơn giản để phòng tránh bệnh tiểu đường. Những người thừa cân béo phì có nguy cơ cao nhất mắc căn bệnh này; Ăn nhiều rau xanh: đây là cách đơn giản nhất để phòng tránh bệnh tiểu đường, cách hữu hiệu để giảm thiểu cân nặng, giữ lượng đường trong máu được ổn định; Hạn chế đi xe, tăng cường đi bộ: hãy tận dụng mọi nơi để đi bộ như tránh đi thang máy mà thay vào đó đi thang bộ hoặc để xe ở nơi chỗ xa và đi bộ đến đó, tập luyện cũng giúp giảm cân và sử dụng insulin trong cơ thể hiệu quả hơn; Khám bệnh thường xuyên, xét nghiệm máu định kỳ và làm theo những lời khuyên của bác sỹ để phòng bệnh tốt nhất; Không uống rượu bia. Uống rượu quá nhiều gây ra chứng bệnh mỡ trong máu cao khi đó chủ yếu cải biến thành triacylglyceride và protein mật độ thấp trong máu; Tăng cường thể lực, chơi thể thao hơn 30 phút trong ngày, tập thể dục khoảng 1 giờ/ngày, tránh ngồi một chỗ làm việc quá lâu; Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn các món ăn hỗn hợp, các món nên thay đổi theo ngày, theo mùa. Nên hạn chế những thức ăn cung cấp năng lượng rỗng như đường, nước ngọt, kẹo, hạn chế ăn mặn… 


Lê Hoàn